Đứng đầu bảng về tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập thấp, bấp bênh nhưng con cái buộc phải gửi trường tư vì rào cản hộ khẩu…Đây là thực trạng khá phổ biến của lao động nữ di cư hiện nay, nhưng làm thế nào để tạo bình đẳng trong tiếp cận chính sách cho lao động nữ di cư vẫn chưa có giải pháp khả thi.
Kết quả nghiên cứu “Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư - Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) vừa công bố cho thấy, lao động di cư, thu nhập thấp muốn gửi con ở trường công lập vì miễn học phí cho bậc tiểu học, giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất đầy đủ và độ an toàn cho trẻ cao hơn.
Tuy nhiên, con em lao động di cư rất khó tiếp cận các trường công lập do quy định khắt khe về thủ tục nhập học. Do đó, bố mẹ phải gửi con vào các trường tư thục hoặc những cơ sở trông giữ trẻ tư nhân tự phát hay nhóm trẻ gia đình.
Không chỉ lao động nữ di cư mà lao động nữ cũng chiếm đa số trong nhóm lao động thất nghiệp. Đặc biệt, tỷ trọng lao động nữ trong nhóm thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%.
Điều này cho thấy khả năng tiếp cận việc làm đối với lao động nữ khó khăn hơn nam ở hầu hết mọi nhóm trình độ, đặc biệt ở nhóm thấp nhất và nhóm cao nhất.
Cũng theo báo cáo, có 7,8 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện làm việc không đảm bảo.
Lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn 27,8% lao động nam cùng làm việc ở khu vực này.
Lao động nữ cũng đang ở vị thế thấp hơn nam trong cơ cấu việc làm, chỉ chiếm 26,1% các vị trí lãnh đạo nhưng lại đóng góp tới 52,1% nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình.
Để xóa bỏ những rào cản trên các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần có các biện pháp toàn diện để cải thiện bình đẳng trong điều kiện lao động và thay đổi định kiến về vai trò giới.
Điều này bao gồm thúc đẩy việc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc phân chia nghề nghiệp theo giới, công nhận, giảm bớt, phân chia lại các công việc nhà không được trả lương, và cải thiện các thiết chế nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối đối với phụ nữ và nam giới.
Để lao động di cư dễ dàng tiếp cận chính sách an sinh xã hội Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) Ngô Thị Thu Hà cho rằng, Bộ Công an cần đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, nhằm loại bỏ hộ khẩu ra khỏi thủ tục đăng ký nhập học để mọi trẻ em bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục và y tế công lập.
Ngoài ra, Bộ Công an cần đẩy nhanh quá trình quản lý dân cư bằng mã số định danh để từ đó xóa bỏ rào cản về thể chế ngăn cản lao động di cư tiếp cận với hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản và ngăn cản trẻ em tiếp cận giáo dục công lập.