Giáo dục

Thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam

Thu Hương 06/12/2024 09:15

Không chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện mở ngành mới, các trường đại học (ĐH) đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường bán dẫn.

bai chinh
Học sinh lớp 12 tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

Từ năm học 2024-2025, Trường ĐH Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo ĐH chính quy. Trước đó, Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp Phenikaa đã thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, hướng tới việc đào tạo nhân lực chất lượng cao (upskill); ra mắt công ty spin-off hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch. Xác định đào tạo học viên có đủ năng lực lực có thể được tuyển dụng đi làm trong hoặc sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, nhà trường đã chú trọng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo.

Cuối tháng 11 vừa qua, Trường ĐH Phenikaa đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty Infineon Technologies là công ty bán dẫn hàng đầu của Đức nhằm mục đích nâng cao năng lực thiết kế vi mạch và thúc đẩy tiến bộ công nghệ tại Việt Nam. Infineon sẽ hỗ trợ Trường ĐH Phenikaa mở rộng năng lực giáo dục và đào tạo bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm và cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên của trường; cung cấp các bộ công cụ phát triển nâng cao, hỗ trợ kỹ thuật và các tài nguyên thiết yếu cho các khóa học trong phòng thí nghiệm. Sự hợp tác này đem đến nhiều cơ hội về các dự án nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của ngành bán dẫn. Từ đó tạo điều kiện để sinh viên và các nghiên cứu sinh có được những hiểu biết và trải nghiệm thực tế về các công nghệ tiên tiến hiện nay.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ công tác đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, bắt đầu từ năm 2022, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã tích hợp các học phần liên quan đến thiết kế vi mạch vào các chương trình đào tạo như Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông và Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh… Năm 2024 là năm đầu tiên trường chính thức tuyển sinh chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông về thiết kế và kiểm thử vi mạch. Bên cạnh đó, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã và đang thực hiện cập nhật các chương trình đào tạo hiện hành để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời, đưa thêm các nhóm học phần tự chọn định hướng về vi mạch bán dẫn để người học có thể cân nhắc lựa chọn trong quá trình học tập tại trường.

Thời gian qua các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đã tăng cường nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo vi mạch bán dẫn. Năm học này, một số trường đã mạnh dạn mở mới chuyên ngành Vi điện tử thiết kế vi mạch hay thiết kế vi mạch bán dẫn đồng thời chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực này.

Ông Trần Thế Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận, một chương trình đào tạo thành công phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là đầu vào và đầu ra. Đầu vào là sinh viên và đầu ra là người doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp không chỉ tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, tạo công ăn việc làm mà cần hỗ trợ nhà trường trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cùng với nhà trường tham gia đào tạo để chương trình đào tạo sát hơn với thực tế. Nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng giảng viên nguồn trong lĩnh vực này thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng do thành phố và các đơn vị khác nhau tổ chức.

Trước đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã phối hợp với Tập đoàn Qorvo (Hoa Kỳ) tổ chức Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch dành cho 40 giảng viên, sinh viên xuất sắc của nhiều trường ĐH hàng đầu về công nghệ Việt Nam. Đây là chương trình đào tạo chuyên sâu, học viên được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch Analog thông qua phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp Cadence Virtuoso, có cơ hội kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, khóa học giúp học viên nuôi dưỡng tư duy liên tục học hỏi sáng tạo và cập nhật các xu hướng của ngành thiết kế mạch Analog, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam