Đây là vấn đề được đặt ra tại buổi đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng Nông nghiệp APEC và CEO, chiều ngày 24/8 tại TP Cần Thơ. Buổi đối thoại cũng là sự kiện nằm trong “Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017” tại TP Cần Thơ từ 18 – 25/8/2017.
Buổi đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng Nông nghiệp APEC và CEO.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Sự có mặt của 25 đoàn với gần 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong khu vực APEC tại cuộc đối thoại này đã khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.
Những năm qua, khu vực tư nhân đã chủ động tham gia một cách tích cực vào việc nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tự nhiên và con người nhằm đảm bảo sản lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những nỗ lực đó là chưa đủ: chất lượng đất nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện, nguồn nước ngày càng khan hiếm, sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm khai thác vẫn bị thất thoát và lãng phí.
Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có trách nhiệm và tái tạo nguồn lợi đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là mọi nỗ lực của các chính phủ, nỗ lực của doanh nghiệp, nếu hoạt động riêng rẽ, liệu có thể tạo ra sức mạnh tổng thể và bền vững không? Những nỗ lực đó có tạo ra động lực cho việc giải quyết tốt các vấn đề chung và có tính đến các hiệu ứng xã hội khác hay không? Để phần nào trả lời cho những câu hỏi đó, trong những năm trở lại đây vai trò của hình thức hợp tác công, tư đang trở thành một trong các giải pháp điển hình.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu tham gia thảo luận và tập trung vào việc, làm thế nào để thúc đẩy hợp tác APEC giữa hai khối chính phủ và tư nhân nhằm sử dụng nguồn lợi tự nhiên hiệu quả, đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao năng suất, tăng cường an ninh lương thực cho khu vực trong bối cảnh chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu.
Tại buổi đối thoại diễn ra 2 phiên đối thoại gồm: Phiên đối thoại 1 có chủ đề “Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững và lợi nhuận cao cho các đối tác trên toàn chuỗi”. Phiên đối thoại 2 có chủ đề “Đầu tư sản xuất lương thực và chế biến lương thực bền vững: Vai trò của khu vực công và tư”.