Chiều 9/11, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức hội nghị quốc tế với chủ đề Kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên GDNN thời đại 4.0. Đây là hội thảo đầu tiên về chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những mô hình thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên và đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy công tác hỗ trợ khởi nghiệp nhằm xây dựng một quốc gia khởi nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Luisa Iachan (đại diện SIYB, ILO Geneva) đã chia sẻ kinh nghiệm về khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh. Trong đó, phải dạy nghề trước, kèm theo đó là dạy kỹ năng kinh doanh bởi khi có được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tốt thì việc khởi nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tiếp đến phải tăng cường đào tạo giảng viên cho các cơ sở GDNN về khởi nghiệp và các kiến thức liên quan để từ đó lan tỏa tới học viên. Bài toán đặt ra là phải tính toán chi phí hợp lý để các trường đều có thể triển khai.
Về phía các nhà trường, bà Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, nhà trường đã thành lập các CLB sinh viên khởi nghiệp từ năm 2013. Bên cạnh đó, trường thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị mời các doanh nghiệp, doanh nhân đến truyền lửa cho sinh viên, tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp, khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc khi khởi nghiệp tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
“Khi sinh viên được tham gia các cuộc thi này, các em thêm tự tin, tự hào và có thêm nhiều kinh nghiệm để sau này có thể khởi nghiệp khi ra trường” - bà Hà nhấn mạnh.
Một vấn đề được bà Hà đưa ra đó là hiện nay triển khai giảng dạy về khởi nghiệp trong nhà trường vẫn chưa được bài bản, đa số giáo viên chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên khi đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp có những hạn chế. Bà Hà kiến nghị Tổng cục GDNN tiến tới xây dựng các chương trình đào tạo về khởi nghiệp để các trường đưa vào giảng dạy.
Trả lời vấn đề này, bà Trần Minh Huyền, Vụ trrưởng Vụ công tác học sinh sinh viên, Tổng cục GDNN thông tin, từ nay đến tháng 12/2021, Tổng cục sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn cho các thầy cô về khởi nghiệp ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đối với học sinh, sinh viên dự kiến sẽ triển khai 9 lớp với 5 chuyên đề về tư duy khởi nghiệp, khởi nghiệp tinh gọn và các kỹ năng về khởi nghiệp, các mô hình hiện nay ở Việt Nam, vấn đề về cách hỗ trợ, kêu gọi vốn để khởi nghiệp.
Lưu ý thêm, bà Huyền cho rằng hiện nay kiến thức khởi nghiệp chưa trở thành môn học chính thức song các nhà trường cũng có thể đưa vào các chương trình giảng dạy chính khóa hoặc ngoại khóa tùy thiết kế của nhà trường. Trong đó, Tổng cục GDNN sẽ hỗ trợ một số trường để làm điểm về nội dung này và sau đó triển khai rộng ở các trường.
Lần đầu tiên tổ chức hội giảng giáo dục nghề nghiệp trực tuyến
Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 12-18/11, theo hình thức trực tuyến với thông điệp đổi mới - sáng tạo - thích ứng - hội nhập.
Thông tin về Hội giảng, ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, cho biết: Lần đầu tiên Hội giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến với mục tiêu duy trì hoạt động chuyên môn và đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh dịch Covid-19; Ban tổ chức ứng dụng công nghệ lựa chọn số ngẫu nhiên để tổ chức bốc thăm thứ tự bài trình giảng; việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tuyến; Điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin của từng tiểu ban ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 5 phút. Các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh thông tin của các tiểu ban để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi...
Dung Hòa