Kinh tế

Thúc đẩy kinh tế số: Cần hành lang pháp lý vững chắc

H.Hương – P.Vân 13/04/2025 13:21

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bắt kịp làn sóng tiền kỹ thuật số (KTS) trên thế giới. Nếu xây dựng được một khung pháp lý phù hợp, không chỉ kiểm soát được rủi ro mà còn tạo điều kiện để nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng toàn cầu.

ảnh bài chính
Hoạt động giao dịch tài sản mã hóa đang diễn ra sôi động tại Việt Nam. Ảnh: M.H.

Vô vàn rủi ro

Đầu tháng 4, Công an TP Hà Nội cho biết, vừa tiếp nhận tin trình báo của một nạn nhân bị chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo.

Theo đó, thông qua mạng xã hội, chị T. (sinh năm 1981 ở quận Hà Đông, Hà Nội) có kết bạn và trò chuyện với một người đàn ông (không rõ danh tính). Sau một thời gian, phát sinh tình cảm, đối tượng hướng dẫn chị T. tham gia đầu tư tiền ảo.

Ban đầu, chị T. đầu tư số tiền nhỏ thì thấy được lãi và rút được tiền ra. Từ đó, chị T. tham gia đầu tư nhiều hơn để mua bán tiền ảo.

Việt Nam đã nổi lên như một trong những thị trường tiền mã hóa sôi động nhất thế giới, với 17,4% dân số sở hữu tiền mã hóa và liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu về mức độ chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu, nhờ vào dân số am hiểu công nghệ, nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và người dân quan tâm đến các kênh đầu tư mới.
Các nền tảng giao dịch ngang hàng (P2P) như Binance, Remitano, Bybit, OKX, Mexc, Gateio đang thống trị thị trường tiền mã hóa của Việt Nam, cho phép người dùng giao dịch tài sản số một cách nhanh chóng và dễ dàng. Những mô hình phi tập trung này đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong năm 2023, dòng tiền mã hóa và tài sản ảo chảy vào Việt Nam dao động từ 105 tỷ USD đến 120 tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP. Điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư, bất chấp những bất ổn pháp lý.
T.Xuân

Ngày 25/3/2025, số tiền lãi trên hệ thống đã lên đến khoảng 19 tỷ đồng. Lúc này chị T. muốn rút tiền về tài khoản ngân hàng nhưng không được. Hệ thống yêu cầu chị T. phải nộp tiếp 5% tổng số tiền hiện có, tương ứng với khoảng 1 tỷ đồng thì mới rút được tiền về. Lúc này, chị T. phát hiện bản thân đã bị đối tượng lừa đảo. Tổng số tiền chị T. đã bị lừa gần 9 tỷ đồng.

Vấn đề của chị T. đã và đang xảy ra đối với rất nhiều người khi chót lao vào “chơi tiền ảo – mất tiền thật”. Song có một thực tế cũng đang diễn ra, người Việt Nam đầu tư và chơi tiền ảo khá lớn. Ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech (thuộc Hiệp hội Blockchain) cho hay, có khoảng 6% dân số thế giới tham gia giao dịch trên thị trường tài sản ảo, quy mô giao dịch khoảng 200 tỷ USD/ngày.

Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về giao dịch tài sản ảo, tài sản mã hóa, quy mô thị trường khoảng 105 tỷ USD và khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tài sản mã hóa, tài sản ảo.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đến nay Việt Nam chưa có hệ thống giám sát thị trường tài sản mã hóa, các vụ lừa đảo liên quan đến tài sản mã hoá tăng mạnh. Năm 2024 ghi nhận nhiều vụ lừa đảo nhưng một số sàn quốc tế từ chối hợp tác, tham gia truy vết cùng các cơ quan chức năng trong nước.

Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an đánh giá, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hiện hữu.

Để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, đại diện Bộ Công an cho rằng, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.

Cần thiết phải có hệ thống tiêu chuẩn

Theo tính toán, nền kinh tế số đang chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu; dự đoán đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 30%. Nền kinh tế số phát triển nhanh chóng đi kèm với những thách thức về bất bình đẳng, rủi ro về an ninh mạng, xu hướng việc làm và môi trường.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ được giao trách nhiệm hoàn thiện khung pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa... Cơ quan này phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý. Theo đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản số. Đây là quan điểm rất quan trọng.

Trước đó, ngày 3/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản mã hóa. Sau đó Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC ngày 11/3/2025 trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Mô hình thí điểm này sẽ giúp kiểm soát rủi ro, đồng thời tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường một cách minh bạch và an toàn.

Theo TS Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, trong thời điểm hiện nay cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hoá, stablecoin (tiền điện tử - PV), sàn giao dịch tài sản mã hoá. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá…. Những vấn đề này được quy định trong các văn bản pháp lý mà trước mắt là Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng việc xây dựng khung pháp lý quản lý các sàn giao dịch đặt ra yêu cầu phức tạp về việc quản trị rủi ro do tính chất ẩn danh, xuyên biên giới, phi tập trung của tài sản mã hoá. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cho thấy chi phí phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cũng là một chi phí lớn đối với các đơn vị vận hành các sàn giao dịch.

“NHNN đã tham mưu, đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên cơ sở quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ này” - bà Thơ cho biết.

Thúc đẩy phát triển song hành kiểm soát rủi ro

Những năm gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối, thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số. Kinh tế số đem đến những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong từng lĩnh vực của cuộc sống, thay đổi đối với tất cả các chủ thể trong xã hội.

Giới chuyên gia cũng đã phân tích, khung pháp lý để quản lý tiền kỹ thuật số cần phải phải bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hướng đến việc kiến tạo và thúc đẩy phát triển song song với kiểm soát rủi ro.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, khung pháp lý phải phải đón đầu các xu thế lớn trên thế giới, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số và tài sản số. Việc sớm ban hành khung pháp lý sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển, đồng thời giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy nền kinh tế vận hành an toàn và lành mạnh.

TS Wayne Huang, đồng Sáng lập, CEO XREX, đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho cơ quan quản lý Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore đánh giá: Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá trên thị trường tài chính phi tập trung nhờ mức độ chấp nhận và sự phổ biến của tài sản mã hoá trong cộng đồng Việt Nam. Khi được luật định rõ ràng, thị trường tài sản số sẽ được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ an ninh hệ thống tiên tiến, bao gồm sự giám sát của Chính phủ, kiểm toán độc lập, chứng nhận chuyên nghiệp và bảo hiểm để giảm thiểu các rủi ro an ninh mạng. Lớp hỗ trợ hệ thống mới này sẽ giúp giảm rủi ro và tăng cường sự tin tưởng của người dân.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cũng nhấn mạnh việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với sự đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ quản lý, giám sát của Nhà nước.

Việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa với quy mô hạn chế có sự kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời giúp cơ quan quản lý có thời gian xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và đây cũng là cách tiếp cận chung của nhiều quốc gia.

Theo ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.

"Việc luật hoá tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của Chính phủ" - ông Trung nói.

Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và chính sách cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng.

mai-huy-tuan-1-(1).jpg

Ông Mai Huy Tuần - Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ số SSI - SSI DIgital (SSID) kỳ vọng các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư Pháp… phối hợp chặt chẽ để chính sách mới về tài sản số không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trên tinh thần khuyến khích cả quản lý lẫn đổi mới, cần việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn và quy định đồng bộ, tránh chồng chéo là bước đầu tiên quan trọng, qua đó tạo điều kiện cho các bên liên quan dễ dàng phối hợp. Nhiều ý kiến cũng đề xuất rằng nên duy trì cơ chế chia sẻ dữ liệu giám sát giữa các cơ quan, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán và tài sản số, để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro.

H.Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy kinh tế số: Cần hành lang pháp lý vững chắc