Chính trị

Thúc đẩy phân bổ vốn đầu tư

H.Vũ 23/03/2024 06:59

Ngày 22/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

anh-bai-tren.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Nguồn: Quochoi.vn

Thời gian qua, Đoàn Giám sát đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố; làm việc với 12 bộ, ngành, cơ quan. Tại buổi làm việc, báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43 đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19. Theo đó, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch; số thuế được giảm khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 291,4 tỷ đồng. Thực hiện cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến hết năm 2023, đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt 38.400 tỷ đồng cho hơn 615,6 nghìn lượt khách hàng, đạt 100% kế hoạch.

Việc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay lãi suất trên 6% đạt 2.995 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679 tỷ đồng, hỗ trợ cho 128,7 nghìn lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động, đạt 55,7% kế hoạch. Tính đến 31/1/2024, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân trong kế hoạch năm 2023 đạt khoảng 84,85 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch.

Thời gian tới, Chính phủ cho biết, sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa vốn Chương trình trong năm 2024. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức dự toán, đơn giá, mỏ vật liệu xây dựng của một số dự án quan trọng quốc gia.

Theo đánh giá của các thành viên trong Đoàn giám sát, việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: việc phân bổ vốn đầu tư chậm, kéo dài, nhiều lần danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh; triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn đã đề ra.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm chễ, chưa hiệu quả nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 cho biết, Nghị quyết 43 cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn những khó khăn, bất cập, hạn chế việc triển khai thực hiện. Từ đó, ông Hải đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia về phân cấp cho địa phương làm chủ quản dự án, việc thực hiện chỉ định thầu, khai thác các mỏ vật liệu, cùng với đó là cơ chế phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản một số dự án.

Ông Hải cũng cho biết, trên cơ sở kết quả làm việc, cùng với kết quả giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, Đoàn giám sát sẽ xây dựng báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Ngày 22/3, Văn phòng Quốc hội cho biết, từ ngày 26-28/3 sẽ diễn ra Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Các ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến về: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy phân bổ vốn đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO