Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020). 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam với 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tận dụng cơ hội
Thống kê trên cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là rất cần các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào sản xuất, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí – điện TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Duy Khanh cho rằng: Đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp FDI càng lớn. Doanh nghiệp cần tranh thủ nắm bắt cơ hội nhanh chóng trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, việc trở thành nhà cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI không phải là vấn đề mới và đã đặt ra từ rất lâu, song việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự như kỳ vọng.
Thực tế chỉ rõ, trong thời gian qua rất ít doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoặc nếu đầu tư vào thì phần lớn cũng không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm. Do phụ thuộc quá nhiều nguyên phụ liệu vào thị trường các nước nên khi dịch bệnh xảy ra nhiều ngành nghề lao động vì không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất.
Đơn cử, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày - túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô... gặp khó khăn với nguyên phụ liệu sản xuất. Tại TPHCM, tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp, chỉ đạt khoảng 65%
Chủ động đầu tư
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại diện một doanh nghiệp khẳng định, mọi khó khăn, rào cản đều bắt đầu bằng nguồn vốn. Rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng lại thiếu vốn. Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí – điện TPHCM nhận định, doanh nghiệp điện, cơ khí đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao nên ngân hàng thường không mặn mà khi tiếp cận với các dự án ngành cơ khí”.
Ngoài vấn đề “khát” vốn đầu tư, nhiều nhà đầu ngoại cũng chỉ ra điểm yếu của doanh nghiệp. Theo đó, máy móc trang thiết bị của doanh nghiệp chưa hiện đại, nếu không muốn nói là quá lạc hậu. Điều này vô hình trung làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, phần lớn các doanh nghiệp FDI mong có nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ có định hướng đầu tư dài hạn, năng lực cung ứng tốt để đồng hành trong quá trình phát triển những sản phẩm, những cụm linh kiện chi tiết.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: “Sở Công thương TPHCM đang triển khai các chương trình kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trong giai đoạn sắp tới để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng, các sản phẩm đầu cuối của doanh nghiệp FDI”.
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng cho biết, thành phố đang quy hoạch xây dụng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao quy mô 300ha, phát triển những cụm công nghiệp hỗ trợ tại khu công nghiệp Hiệp Phước. Song song đó, xây dựng cơ chế chính sách về thuế, hải quan,... tạo nội lực cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ ban hành nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, đến năm 2025 doanh nghiệp Việt có thể sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.