Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2050, mức đóng góp của năng lượng mặt trời lên 20% trong tổng sản lượng đầu ra. Tới nay, nhận thức chung đều cho rằng năng lượng tái tạo sẽ là lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia.
Rất nhiều dự án điện mặt trời đi vào hoạt động thời gian qua.
Từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện mặt trời đã tăng gấp trên 51 lần, từ 86MW lên đến trên 4.400 MW. Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Trong đó, riêng các nguồn năng lượng mặt trời đóng góp 8,7% tổng sản lượng đầu ra.
Có thể thấy, với mục tiêu thúc đẩy sản lượng điện mặt trời lên mức 20% trên tổng sản lượng điện vào năm 2050, những bước đi hiện nay của nhà quản lý trong việc phát triển mạnh mẽ các dự án năng lượng mặt trời cho thấy mục tiêu nói trên là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, thực tế khi đi vào hoạt động, các dự án điện mặt trời lại đang gặp phải những rắc rối. Đáng lẽ, số dự án điện mặt trời xuất hiện càng nhiều phải là tin vui đối với ngành điện thì ngược lại, số lượng các dự án điện mặt trời tăng quá nóng đã đẩy ngành điện vào thế khó.Sự phát triển không đồng bộ giữa sản lượng và hệ thống truyền tải dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải giảm công suất vì thiếu đường truyền. Nhiều chủ đầu tư nên thực tế, đường dây truyền tải do Tập đoàn Điện lực (EVN) đầu tư đang hoạt động đúng công suất, không thể đủ truyền tải thêm nếu có nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động. Trong khi đó, để có thể xây dựng thêm một đường dây truyền tải khoảng 20 km, EVN sẽ phải mất khoảng 5 - 6 năm trong trường hợp mọi thủ tục đều thuận lợi. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sự phát triển của nguồn năng lượng mặt trời hiện nay.
Giới chuyên gia nhận định, nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110kV đến 500kV. Câu chuyện về lưới điện đầu tư không theo kịp công suất của các dự án điện sạch (chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận) tiếp tục bộc lộ những bất cập trong cơ chế hoạt động của ngành điện hiện nay.
Trong cơn “bĩ cực” mà ngành điện đang gặp phải, Nghị quyết 55 vừa được Bộ Chính trị ban hành về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 thắp lên những hy vọng mới cho sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo nước nhà.
Trao đổi với về vấn đề này, TS Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã làm thay đổi suy nghĩ trước đây, cho là chỉ có DNNN mới là “đòn bẩy” phát triển năng lượng.
Theo ông Hiến, đây chính là điểm mới, là một cách nhìn hoàn toàn khác đang tạo nên sự hứng khởi cho các nhà đầu tư tư nhân. Tương tự, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greenergy, thực sự các nhà đầu tư rất hào hứng khi đón nhận những thông tin “nóng hổi” từ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. “Ở đây, nhà quản lý nói rất rõ là bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải… Chúng tôi kỳ vọng từ đây những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo sẽ được giải tỏa”- ông Hoàng nói.