Chiều 19/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Hiroshima, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yamada Kenji; Thống đốc tỉnh Hiroshima Hidehiko Yuzaki; Liên lạc viên của Thủ tướng Nhật Bản Maeda Shunsuke; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka; cán bộ Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Trong chương trình công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng"; "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững"; "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng"; tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý. Nhóm này sở hữu hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm để trao đổi, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7. Ý tưởng được đưa ra vào năm 2000 khi Nhật Bản giữ ghế chủ tịch luân phiên. Hội nghị G7 mở rộng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển. Đồng thời đẩy mạnh quan hệ G7 với các nước này trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Diễn ra từ ngày 19 đến 21/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Trong đó Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20 đến 21/5 với sự tham gia của 8 quốc gia, gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook và Úc và 6 tổ chức quốc tế (gồm Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Ngân hàng Phát triển châu Á).
Tại các phiên thảo luận, hoạt động tiếp xúc đa phương, song phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia, đóng góp với cộng đồng quốc tế, gắn với các lợi ích của Việt Nam về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh - phát triển, phát triển bền vững, hợp tác y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường... Thông qua đó, truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước. Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; dự và phát biểu tại Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn và gặp gỡ đại diện tiêu biểu cộng đồng và trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2023); thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song phương; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản sẽ góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.