“Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm cho con người. Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Đàn lợn của cả nước đã đạt gần 74% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ảnh: Quang Vinh.
Ngành nông nghiệp không được nghỉ
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ lo ngại: Đại dịch Covid-19 đang đe dọa kinh tế thế giới, tác động đến mọi quốc gia. Thiệt hại ở mỗi quốc gia là nhiều hay ít, đến giờ này chưa lường hết được. Không những thế, ngành nông nghiệp đang phải chịu nhiều thách thức ngoài Covid-19: Một là thay đổi khí hậu cực đoan, bước vào vụ Đông Xuân xuất hiện hạn nặng ba miền Bắc Trung Nam. Bên cạnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành năm 2019, còn có dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Việt Nam có tổng đàn gia cầm hơn 500 triệu con bị đang đe dọa bởi thời tiết, dịch bệnh. Do đó, ngành nông nghiệp phải có nhiệm vụ đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận: 99% số xã đã thoát dịch tả lợn châu Phi, đang tái đàn rất nhanh. Với hàng triệu gia súc, Việt Nam cũng đang khống chế tốt dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, không được phép chủ quan. “Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm cho con người. Vào viện cũng phải ăn, nghỉ ở nhà cũng phải ăn. Cho nên ngành nông nghiệp không được nghỉ. Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý, một năm chúng ta xuất khẩu 41 tỷ USD, nếu năm nay bị mất nguồn cung, thì còn đối mặt nguy cơ mất thị trường nếu không giỏi ứng biến.
Đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD
Cũng tại Hội nghị, mục tiêu xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD trong năm 2020 được nêu rõ. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.
Để làm được điều đó, Bộ NNPTNT đề ra các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất đối với lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan chuyên môn, địa phương cần có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu. Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại địa phương. Ngoài ra, cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân.
Đặc biệt, đối với chăn nuôi lợn, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường. Muốn làm được điều đó, cần tiến hành song song việc đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước.
Góp tiếng nói từ địa phương, ông Dương Thành Chung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Đối với tình hình thực tế của Bạc Liêu và các tỉnh miền Tây, khó khăn lớn nhất là tình trạng hạn mặn xâm nhập sâu. Tỉnh đã chủ động gieo cấy lúa sớm nên thiệt hại không đáng kể. Về xuất khẩu, tỉnh cũng đã tổ chức hỗ trợ tiền điện để các doanh nghiệp mở kho dự trữ tôm đông lạnh, chi trả bảo hiểm xã hội cho công nhân. Vì các doanh nghiệp phải thu mua chế biến thì sản phẩm của nông dân mới có đầu ra ổn định.
Các doanh nghiệp cam kết tiếp tục sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu để vượt qua khó khăn. Giá tôm khoảng 1 tuần trở lại đây giảm khoảng 10%. Và khó khăn nữa là vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh bị nhiễm mặn khoảng 30 - 35‰. Do đó, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Trung ương có nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng 4 cống ngăn mặn qua đê nhằm giải quyết tình thế. Còn về lâu dài, cần phải đầu tư xây dựng một số âu để chuyển nước từ vùng nước ngọt thành vùng nước mặn. Và tỉnh cũng cam kết với chính phủ là trong 2 năm nữa sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 1 tỷ USD.
Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ NNPTNT nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp thời gian qua, nhất là khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu. Dabaco đề xuất giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về Covid-19 để người dân hiểu đúng. Tổ chức bán hàng bình ổn giá. Đồng thời tổ chức đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất. Để làm được điều này, theo ông Thảo cần tái đàn, tuân thủ an toàn sinh học, tránh gây mất cân đối cung-cầu quá lớn. Bên cạnh đó quan tâm chăm sóc đến sức khỏe của người lao động ở các bữa ăn ca. Về giải pháp lâu dài, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ cao cần tham gia tích cực vào chuỗi tiêu thụ.
Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài. Chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…
Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất, bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm.
Đàn lợn của cả nước đã đạt gần 74% so với trước dịch
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến hiện đàn lợn của cả nước đã đạt gần 74% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Tính đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 24 triệu con, trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh. Do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn. Với tốc độ tăng đàn rất nhanh, tới đây sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thịt lợn, giá cũng sẽ được cải thiện phù hợp cả cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.