Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội chỉ rõ: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Tại phiên họp, thẩm tra sơ bộ Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, trong năm 2023 đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022. Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số Bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đạt cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, vận hành có hiệu quả. Nhiều Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, bố trí lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng chỉ ra công tác THTK, CLP vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, công tác hoàn thiện thể chế có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên có những tồn tại, hạn chế qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật khi trình chưa bảo đảm chất lượng, hồ sơ chưa đúng quy định; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra.
Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.
Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy có 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp, chỉ đạt 46,77% kế hoạch bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023.
Việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, làm lãng phí nguồn lực. Đến 31/1/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt 77.390 tỷ đồng/130.500 tỷ đồng, bằng khoảng 59% kế hoạch vốn; 107/272 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp.
THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, lãng phí. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chưa được giải quyết triệt để; công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.
Còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.
Cạnh đó, THTK, CLP trong tổ chức, bộ máy; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước mặc dù được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế dẫn lãng phí về nguồn lực và thời gian. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật; cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý triển khai dự án trong đó có quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động dẫn đến nhiều dự án phải giãn tiến độ, dừng triển khai; khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.
Việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu. Mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.