Khi triển khai thực hiện các dự án BOT, phải chuyển từ chỉ định thầu sang đấu thầu, công khai minh bạch. Phải chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, tránh tình trạng chủ đầu tư đi vay ngân hàng để xây dựng BOT và thu phí, hưởng ưu đãi trong vay vốn “lãi đơn lãi kép”. Đó là những vấn đề được các ĐBQH đặt ra khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, diễn ra chiều ngày 14/11.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) phát biểu tại Hội trường.
Cần tầm nhìn dài hạn
Đồng tình với sự cần thiết phải có cao tốc Bắc - Nam, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, giao thông có vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước. Dù thời gian qua QL1A đã mở 4 làm xe nhưng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, nhiều tuyến đã xuống cấp, thiếu đường gom dân sinh nên ảnh hưởng đến tốc độ của các phương tiện đi lại. “Giao thông là huyết mạch của đất nước, nhưng so với Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapor thì đường cao tốc của ta vẫn còn rất hạn chế mới chỉ 70 km/h, cho nên nếu có đường cao tốc phải 100-120 km/h sẽ tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và hạn chế được phương tiện giao thông”- ông Phương bày tỏ.
Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng, khi triển khai Dự án cần khắc phục những hạn chế vừa qua trong vấn đề triển khai các dự án BOT. Phải chuyển từ chỉ định thầu sang đấu thầu, và cần công khai minh bạch. Chọn nhà thầu có năng lực, đường gom dân sinh, cần quy định rõ trường hợp nào đền bù trường hợp nào hỗ trợ tránh 2 m thì đền bù còn 2,5-3m không được đền bù. Nghiên cứu mở rộng quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không trong bối cảnh cả nước theo nhu cầu bức thiết của từng quy hoạch. Có cơ chế giám sát để thực hiện dự án hiệu quả, sớm có phương án huy động nguồn lực để nối tuyến giao thông Bắc - Nam. “Để có hiệu quả dự án cần phải có tầm nhìn dài hạn, không để tình trạng đầu tư xong không có xe đi gây lãng phí cũng như tránh việc đầu tư rồi mà vẫn bị quá tải”- ông Phương lưu ý.
Cùng chung quan điểm, theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), có 8/11 dự án triển khai theo hình thức BOT. UBTVQH vừa qua đã giám sát về vấn đề BOT và chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót. Do đó Chính phủ phải có giải pháp khắc phục hạn chế tình trạng trên. Vì vậy phải đưa ra những tiêu chí trong lựa chọn nhà đầu tư, BOT chỉ áp dụng cho những tuyến đường xây mới và phải lấy ý kiến người dân, vị trí đặt trạm, và công nghệ thu phí.
Tổ chức đấu thầu rộng rãi
Theo ĐB Đỗ Trọng Hưng (đoàn Thanh Hóa) 8 dự án được triển khai theo hình thức BOT, còn 3 dự án theo hình thức đầu tư công. Hiện ngân sách đang khó khăn nên hình thức BOT là phù hợp giảm nợ công. Tuy nhiên thời gian qua có nhiều bất cập trong triển khai thực hiện các dự án theo hình thức BOT cho nên Chính phủ cần đấu thầu rộng rãi, không chỉ định thầu, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư dự án, thời gian thu phí và trạm thu phí, thu phí kín và thu theo chiều dài đi để đảm bảo sự minh bạch.
Dẫn chứng thời gian qua có tình trạng chủ đầu tư đi vay ngân hàng để xây dựng BOT và thu phí, hưởng ưu đãi trong vay vốn là “lãi đơn lãi kép” vì vậy cần hạn chế tình trạng trên phải chọn nhà đầu tư có năng lực. Công khai minh bạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực giảm tỷ lệ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng. ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình và cho rằng cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể hứa ngay sau khi Quốc hội thông qua sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện Dự án một cách tốt nhất khi Dự án thông qua. Do kinh phí có hạn nên đã chọn những đoạn quá tải cần triển khai ngay, phân kỳ đầu tư căn cứ vào lưu lượng. “Việc thực hiện các dự án BOT trong thời gian qua có các khiếm khuyết, chúng tôi đã nhìn thấy và 8 dự án BOT tới sẽ khắc phục bằng hình thức đấu thầu toàn bộ. Nếu đấu thầu lần 1 không xong sẽ đấu thầu lần 2,3 để chọn nhà đầu tư, khắc phục tình trạng trước kia chỉ có 1 nhà đầu tư, hay đấu thầu không thành công sẽ chỉ định thầu.
Ngoài ra sẽ thu phí kín, đi bao nhiêu km sẽ trả bao nhiêu tiền để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch. Kiểm soát “đầu vào” là kiểm tra triển khai xây dựng dự án bao nhiêu tiền, còn “đầu ra” là kiểm soát việc đi bao nhiêu km thì thu bấy nhiêu tiền. Đồng thời, ngoài tổ chức đấu thầu công khai thì yêu cầu nhà thầu vốn phải đáp ứng được 15%, có dự án lên tới 20% để chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính cùng phối hợp với ngân hàng để thực hiện”- Bộ trưởng cho hay.
Chiều cùng ngày với 88,39% ĐBQH tán thành Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách Trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. |