Ngày 23/4 là thời điểm Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) vừa kết thúc một tháng (23/3 - 23/4) thực nghiệm các môn học, nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình mới đến người dạy và học.
Cuộc thực nghiệm được thực hiện trên quy mô 48 trường học (18 tiểu học, 18 THCS và 12 THPT) tại 6 địa phương gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bỡ ngỡ phương pháp mới
GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới cho hay, việc thực nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình các môn học đến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Theo đó, hoạt động được thực hiện dưới 3 hình thức: Ban soạn thảo trực tiếp khảo sát điều kiện dạy học ở các trường; lấy phiếu trưng cầu ý kiến giáo viên về chương trình các môn học; tổ chức dạy thử một số bài học.
Ông cũng cho hay, các trường học được lựa chọn tham gia thực nghiệm chương trình mới có điều kiện cơ sở vật chất, thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khác nhau. Cách chọn mẫu này nhằm đánh giá được chính xác nhất chương trình môn học đã phù hợp, gây hứng thú cho học sinh và vừa sức giảng dạy của giáo viên ở các vùng miền khác nhau hay chưa; đồng thời giảm khoảng cách về kết quả giữa thực nghiệm với áp dụng đại trà.
Theo GS Đỗ Đức Thái- Chủ biên chương trình môn Toán, do đây là lần đầu tiên thực hiện việc thực nghiệm chương trình theo định hướng phát triển năng lực người học nên không ít giáo viên còn bỡ ngỡ. Trong quá trình thực nghiệm, Ban soạn thảo đã chọn ra những bài có nội dung mới để xem giáo viên, học sinh tiếp nhận thế nào. Bên cạnh đó có những bài học có trong SGK hiện hành nhưng được hướng dẫn dạy theo phương pháp dạy học mới. Những bài học này giúp lượng định được sức ì của lối dạy cũ. Lượng định để có biện pháp khắc phục. Điều mà giáo viên bỡ ngỡ nhất là quan điểm tích hợp trong dạy học.
Qua những bài giảng trực tiếp mà Ban soạn thảo thực địa, điều dễ nhận thấy là không chỉ ý thức tích hợp mà ý thức vận dụng lý thuyết vào thực tiễn ở giáo viên ta cũng chưa cao. Bởi dạy Toán không chỉ là dạy phép toán mà còn là dạy những cái bên ngoài Toán học, cần đến sự lý giải của Toán học. Vì vậy, các giáo viên cần nhận thức đổi mới chương trình là công việc của bản thân mỗi người, phải làm sao để đổi mới trở thành nhu cầu tự thân của giáo viên.
Ban soạn thảo chương trình GDPT mới cũng cho hay, các lớp học tham gia thực nghiệm chương trình mới được giữ nguyên sĩ số như hiện có, để cho kết quả chính xác khi áp dụng vào thực tế. Đơn cử như những lớp mà đoàn đi thực nghiệm ở các trường tiểu học tại Hà Nội, có sĩ số từ 58- 60 HS/lớp, giáo viên phải dùng micro thì các em trong lớp mới nghe rõ.
Theo đó, các chủ biên đánh giá, phải cố gắng hết sức giáo viên mới có thể tổ chức hoạt động cho lớp đông học sinh. Nhiều học sinh, nhất là nhóm học yếu, rụt rè... sẽ bị thiệt thòi vì thầy cô không đủ thời gian, sức lực để quan tâm, hướng dẫn cụ thể bài vở. Vì thế, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: Chương trình chỉ có thể thành công nếu lớp học bảo đảm quy định về sĩ số theo quy định của Bộ GD&ĐT là tối đa 35 HS/lớp (bậc tiểu học) và 45 HS/lớp (bậc THCS).
Nhiều kỳ vọng về chương trình GDPT mới.
Kỳ vọng
GS Phạm Hồng Tung- Chủ biên chương trình Lịch sử cho rằng, điểm khác hẳn so với trước đây là tổ chức giờ dạy. Trước đây, bài nào quy định 2 tiết mà trong vòng 2 tiết chưa dạy xong thì bị coi là “cháy giáo án”. Bây giờ dạy chương trình mới, điều quan trọng nhất là bài học phải giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất và năng lực, còn việc thực hiện bài đó trong thời gian bao lâu thì hoàn toàn để giáo viên được chủ động sắp xếp.
Đánh giá về đợt thực nghiệm này, GS Tung chia sẻ: Nhiều học sinh từ chỗ ghét môn Lịch sử đã cảm thấy hứng thú khi học môn này theo phương pháp của chương trình mới, không đòi hỏi nhớ máy móc, được dẫn dắt bằng những câu chuyện hay. Tuy nhiên, các em băn khoăn, học vậy nhưng thi như thế nào. Tâm lý thi gì học nấy vẫn tạo áp lực cho học sinh.
Dẫu thế, ông Tung đánh giá đợt thực nghiệm rất thành công và có những điều nằm ngoài mong đợi. “Với kết quả thực nghiệm, tôi tin chúng tôi đang đi đúng hướng và chương trình khi áp dụng sẽ khả thi và mang lại đổi mới thực sự cho giáo dục lịch sử”- ông đặt nhiều kỳ vọng.
PGS Đỗ Ngọc Thống- Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho biết, sẽ vô cùng khó để giáo viên Ngữ văn chuyển từ cách dạy “chỉ ra cái hay trong tác phẩm” sang tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm ra cái hay đó. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận những lúng túng, chệch choạc ban đầu. Được tập huấn tốt, chắc chắn giáo viên dần dần sẽ thực hiện chương trình tốt hơn.
Theo PGS Đỗ Ngọc Thống, kinh nghiệm của các lần cải cách trước cho thấy, ít nhất cũng phải mất 1-2 năm sau khi chính thức triển khai thì giáo viên mới có thể quen được. Ở trong quá trình thực nghiệm chương trình thì có giáo viên làm tốt, có giáo viên chưa làm được và điều này là hết sức bình thường. Nếu chúng ta triển khai thực nghiệm chương trình thành công thì cũng là điều vui, nhưng nếu chưa thành công thì cũng là dịp để nhìn nhận lại đánh giá và điều chỉnh. Dù có như thế nào thì việc thực nghiệm vẫn giúp ích rất nhiều cho Ban soạn thảo.
Quan điểm chung của các thành viên Ban soạn thảo cho rằng: để áp dụng chương trình GDPT mới, cần trao quyền tự chủ cho giáo viên. Giáo viên có được chủ động thì mới sáng tạo được. Đây cũng chính là mục tiêu hướng tới khi triển khai chương trình mới. GS Nguyễn Minh Thuyết tin rằng, kết quả thực nghiệm sẽ giúp Ban soạn thảo chương trình có những điều chỉnh để hoàn thiện chương trình. Theo kế hoạch dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết đợt thực nghiệm.