Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm diễn ra sáng 27/4. Đặt vấn đề tìm giải pháp tăng hiệu quả quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là một việc xã hội, nhân dân rất quan tâm mà trách nhiệm của nhà nước chưa làm tròn.
Người dân lo lắng trước “ma trận” thực phẩm bẩn.
Chưa rõ trách nhiệm?
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vấn đề ATTP không thể giao cho một tổ chức chung chung mà phải cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới có thể làm được. Vì thế rất cần có chỉ thị riêng về vấn đề này. Người dân, người sản xuất, DN phải là là trung tâm trong tổ chức vấn đề ATTP.
Phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý có liên quan trong vấn đề ATTP. Chúng ta có hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, có hệ thống pháp luật. Phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào mà để dân kêu như thế! Để thực phẩm bẩn hoành hành là lỗi của chính quyền. Không thể để một việc quan trọng thế này mà không ai chịu trách nhiệm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước năm 2010, công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có luật ATTP, thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai luật này, có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính. Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Vậy nhưng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ ra, “không xác định được trách nhiệm; không kỷ luật được ai từ phường, xã đến tỉnh trong khi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan. Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui, vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm”. Ông Thăng còn thấy, “rất băn khoăn với số liệu các bộ ngành báo cáo vì tình trạng mất vệ sinh thực phẩm tràn lan mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ vài %. Tôi xin lỗi phải nói là tôi không tin con số này”.
Trung ương làm quyết liệt, địa phương thì chưa
Tiếp tục bày tỏ bức xúc về thực tế việc quản lý, xử lý chưa nghiêm minh, còn tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn, ông Thăng dẫn ra việc quản lý các lò mổ, các cơ sở này hoạt động mà không ai biết? Hay giữa các Bộ cứ nói có sự phối hợp tốt mà một bộ cho nhập chất cấm lại không hỏi ý kiến bộ ngành khác, cần chỉ 10kg nhưng lại cho nhập đến 10 tấn thì… hoà cả làng.
Đưa ra giải pháp xử lý thực phẩm bẩn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu: Có một khâu yếu trong xử lý ATTP đó là chế tài chưa đủ sức răn đe. Ông Chung cho rằng, lần đầu phạt tiền, lần 2, 3 cấm kinh doanh đăng báo, nếu vi phạm nhiều lần cấm sản xuất, kinh doanh vĩnh viễn. Về phía Chính phủ ông Chung đề xuất, cần xây dựng chế tài đủ sức răn đe với người vi phạm.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát giãi bày: Chúng tôi không thể làm tròn trách nhiệm được giao nếu không có sự chung tay của địa phương, các cấp, các ngành. Như công cuộc tuyên chiến chất cấm, nhờ sự chung sức của Bộ Y tế, Bộ Công an, các địa phương tình hình đã chuyển biến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì thấy rằng: Trung ương làm quyết liệt, nhưng xuống địa phương thì chưa.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam khẳng định: Ngành công an kiên quyết đưa ra truy tố các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm từ 1/7 tới, Bộ luật Hình sự có hiệu lực, chúng tôi sẽ đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này.
Tăng cường giám sát
“Phải tăng cường giám sát của mọi cấp mọi ngành để có được chuyển biến đồng bộ. Phải đồng tâm hiệp lực để có những cách làm rõ nét nhất, chứ không phải làm hình thức rồi báo cáo thành tích” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đồng thời kêu gọi cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, phải là một cuộc cách mạng của toàn dân.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc, làm tốt công tác này. Thứ hai, xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về ATVSTP.
Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công; người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình. Về vấn đề kinh phí, ngoài việc đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách dành cho việc quản lý ATVSTP, thì cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn.
Thủ tướng cũng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng tất cả số tiền phạt vi phạm ATTP để phục vụ cho công tác này. Và phải xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm ATTP.
Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu: Cần lựa chọn loại thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP. Sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị làm “cây gậy” tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm ATTP.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh: MTTQ và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền vận động người dân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, lâu nay hoạt động tuyên truyền của MTTQ mới dừng ở chủ trương, chính sách, chưa đi vào thuyết phục từng đối tượng cụ thể, mới chú trọng phát hiện hành vi vi phạm và thiếu biểu dương nhân rộng các mô hình tốt. MTTQ và các tổ chức thành viên đặt mục tiêu đến năm 2017 có 50% hộ sản xuất kinh doanh và 100% HTX bảo đảm đăng ký thực hiện các quy định ATTP. Năm 2019 có 70% số hộ đăng ký và 35% số hộ thực hiện đúng, đến năm 2020 tỉ lệ tương ứng là 90% và 60%. Tất cả các xã nông thôn mới phải đưa nội dung ATTP vào làm một trong những tiêu chí công nhận đạt chuẩn. Thời gian tới MTTQ sẽ tăng cường các tổ chức thành viên giám sát vấn đề này. |