Lợi dụng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng, cùng với đó là những kẽ hở trong quản lý, kiểm soát, thời gian qua nhiều doanh nghiệp sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng (TPCN) đã “thần dược hóa” nhiều loại sản phẩm bảo vệ sức khỏe thông qua các kênh quảng cáo bán hàng, dễ dàng móc túi người tiêu dùng. Dư luận đang đặt câu hỏi, chừng nào nhà chức trách mới siết việc quản lý thị trường TPCN, không để vàng thau lẫn lộn?
Bài 1: Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng - cụm từ đã khá thông dụng trong đời sống thường nhật của chúng ta vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nhộn nhịp của các loại thực phẩm chức năng được rao bán, là nguy cơ rất lớn gây “tiền mất, tật mang” cho người sử dụng.
Quảng cáo thổi phồng trên mạng
Với cụm từ “thực phẩm chức năng giảm cân”, trang tìm kiếm Google cho ra tới hơn 25 triệu kết quả tìm kiếm, với đầy rẫy những lời quảng cáo “có cánh” như: TPCN từ Mỹ, Nhật, Hàn…hay TPCN giảm béo tốt nhất năm 2020… Với đầy đủ chủng loại được giới thiệu, từ uống dạng nén, đến dạng viên sủi, hay bột uống. Hầu như tất cả các sản phẩm được quảng cáo đều khẳng định: Thành phần thiên nhiên, không có chất phụ gia, nguồn gốc rõ ràng và ít tác dụng phụ.
Nội dung tương tự cũng xảy ra với các mạng xã hội như facebook khi có quá nhiều hội nhóm chuyên mua bán, trao đổi về các loại TPCN, từ sản phẩm dành cho người già, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ, với hàng trăm nghìn người tham dự.
Với bài đăng “tìm loại TPCN tốt cho phụ nữ đang mang bầu” trên 1 nhóm trao đổi về TPCN, chỉ trong 1 ngày, người viết bài nảy nhận được hàng loạt những lời giới thiệu về các loại sản phẩm chức năng với xuất xứ được khẳng định từ Mỹ, Nhật, Hàn cho đến Anh, Pháp, Đức.
Đơn cử như tài khoản Maria Tâm khẳng định cùng sản phẩm: “Bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ khuyên dùng sản phẩm này đấy anh ạ”. Một người bán khác, với tên Kim Bien chia sẻ: “Mình uống trước khi có bầu cho tới sau sinh luôn. Trộm vía bé mình nhanh nhẹn lém lỉnh cực kỳ. Mình đang còn 1 hộp 100 viên thanh lí lỗ cho bạn còn 1 triệu thôi. Hàng chính hãng mình mua bên Úc”.
Đẳng cấp hơn, tài khoản Giang Nguyen gửi hình sản phẩm và cho hay: “loại này ở Mỹ bác sĩ bảo uống luôn đó bạn, mình sống bên Mỹ nên mình biết”. Đương nhiên, những sản phẩm trên đều có giá khởi đầu lên tới hàng triệu đồng.
Khi phóng viên bày tỏ “hoảng hốt” trước sự bát nháo của thị trường TPCN, Trần Thanh Tùng (28 tuổi, Hoà Bình) - một thanh niên có “thâm niên” trong ngành này cho biết: “Giờ bọn em ít lập những nhóm rõ ràng như thế rồi anh ạ. Người tiêu dùng bây giờ cũng cảnh giác hơn so với vài năm trước”. Tùng cho hay, hiện nay, những người bán TPCN thường sẽ núp dưới những hội nhóm mang dạng thảo luận về sức khoẻ là chính. Ví dụ như nhóm Giảm cân khoa học, giảm cân cấp tốc, thải độc, chăm sóc sức khoẻ sau sinh… Và chỉ cần phát hiện người có nhu cầu, hàng loạt những tin nhắn mời chào sản phẩm sẽ được nhắn trực tiếp.
Gần đây nhất, vào thời điểm Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, không ít sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với công dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng đã quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, internet quá công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, “diệt virus, diệt SARS-CoV-2.
Có thể nhận thấy, với sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh, các mạng xã hội, số lượng người dùng đang ngày một tăng lên. Internet đã trở thành công cụ quảng cáo, tiếp cận người dùng hiệu quả và nhanh chóng. Đây là mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại TPCN “thần dược” len lỏi, tiếp cận nhanh chóng đến người tiêu dùng.
Đồng thời, không chỉ trên internet, khảo sát nhanh qua 5 hiệu thuốc tại khu vực Cầu Giấy- Hà Nội, khi được hỏi về TPCN chữa bệnh đau đại tràng, phóng viên đều được giới thiệu các loại TPCN khác nhau với khẳng định: “Dùng sau 1,2 tháng sẽ khỏi bệnh”.
Người dùng cần tỉnh táo
Những hậu quả nặng nề bởi tin dùng TPCN không hề ít. Cuối tháng 1/2021, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nam 64 tuổi, mắc đái tháo đường 3 năm nay, tăng huyết áp 2 năm kèm theo biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2. Bệnh nhân này đã tự ý bỏ hoàn toàn thuốc do đơn bác sĩ chỉ định mà thay vào đó dùng sang thuốc dạng TPCN được quảng cáo trên mạng. Sau khoảng 20 ngày uống bắt đầu phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt đau tức ngực. Bệnh nhân này khi vào viện đã trong tình trạng suy hô hấp tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng...
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn- nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân Y 108, TPCN là loại thực phẩm không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản mà còn chứa một số thành phần khác có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tạo ra tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Loại TPCN được kể đến đầu tiên là những thực phẩm mà khi ở dạng tự nhiên đã có những hoạt chất có lợi với hàm lượng lớn. Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế cô đặc lại ở dạng dễ sử dụng, hay gây biến đổi gene để làm tăng hàm lượng những chất có lợi. Có thể dễ dàng nhận biết những thực phẩm chức năng ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày.
Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, người tiêu dùng phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty có uy tín). Trên thực tế, không ít loại thực phẩm chức năng đã không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng. Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các thực phẩm chức năng gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) để tránh được quy định của cơ quan kiểm duyệt, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng thực phẩm chức năng. Bởi vậy, người tiêu dùng nhiều khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm.
BS Hoàng Khánh Toàn khuyến cáo, trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại TPCN nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào; hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không; nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không; trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không; thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào, có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không; đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm chức năng có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không; so sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không; cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không...
Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
(Còn nữa)