Việc tăng giá xăng đã được tiên liệu, tuy nhiên nó vẫn là cú sốc đối với người dân, vì rằng khi xăng dầu lên giá thì cũng kéo theo nhiều mặt hàng khác lên giá. Như vậy là kể từ đầu năm đến nay, xăng đã 10 lần lên giá và vẫn được dự báo có thể còn lên nữa. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần sử dụng công cụ thuế để can thiệp, kéo giảm giá xăng dầu, kể cả bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Trước đó, kể từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít và dầu nhờn, dầu diesel, dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít. Trước đó, giá xăng dầu cõng thuế, phí lên gần 40%, đó là mức quá cao. Trong đó, nhiều người cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu (10%) là không thỏa đáng.
Xăng dầu là mặt hàng đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội. Nó đã chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường thì không cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tính toán của giới chuyên gia cho thấy, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Cụ thể hơn, nếu như giá xăng là 15.000 đồng/lít, số thuế thu được là 1.500 đồng/lít thì số thuế thu nhập đặc biệt tăng gần như gấp đôi khi xăng chạm mức 30.000 đồng/lít.
Kể từ đầu tháng 2/2022, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế giá trị gia tăng 10%, nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng trong năm nay, cũng như các loại thuế khác vẫn giữ lại.
Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu cũng từng được các đại biểu Quốc hội nêu lên. Chiều 23/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua nghị quyết về việc giảm thuế với xăng, dầu theo đề xuất của Chính phủ.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, đa số các quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước. Ông Cường đề nghị cân nhắc việc giảm thuế nhập khẩu đối với xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động.
Nhân đây, cũng có thể “nhìn sang” Nhật Bản xem họ đã “hành động” ra sao trong cơn bão giá dầu thế giới. Cuối tháng 1/2022, Chính phủ Nhật Bản quyết định thực hiện chương trình trợ giá cho 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này sau khi giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yên/lít(khoảng hơn 33.000 đồng), lần đầu tiên sau hơn 13 năm.
Với Việt Nam, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, đã thực hiện chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần, quyết định được đưa ra bởi Liên bộ Tài chính - Công thương. Có thể chu kỳ điều chỉnh này sẽ được rút ngắn hơn để phù hợp với thực tế diễn biến giá dầu trên thế giới. Tuy nhiên, để ghìm giá xăng dầu trong nước, thì việc giảm (bỏ) thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt là việc cần được xem xét, quyết định sớm.
Hiện cả nước có 33 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu (cùng 3 đầu mối kinh doanh nhiên liệu bay). Trong bối cảnh giá xăng dầu neo cao và còn diễn biến phức tạp, thì cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp này cần có sự phối hợp chặt chẽ.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu cần chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Đó cũng là một giải pháp để ổn định, kéo giảm giá xăng dầu trong lúc khó khăn. Nhà nước giảm thuế, doanh nghiệp san sẻ lợi nhuận, chỉ có như vậy giá xăng dầu mới không tiếp tục leo thang.