Thời gian qua, do F0 trên địa bàn TP HCM liên tục tăng cao, để giảm tải cho bệnh viện, F0 đã được cách ly và điều trị tại nhà. Trong số đó, có rất nhiều người đã tự săn lùng mua và trữ thuốc, mặc dù không có chỉ định từ bác sĩ.
“Thủ thuốc” vì sợ bệnh trở nặng
Trữ thuốc từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh, tuy nhiên đến khi bình thường mới gia đình ông Âu Thái Hòa (Quận 7) mới bị mắc Covid-19. Trong thời gian điều trị tại nhà, ông Hòa cùng vợ con sử dụng các loại thuốc tương tự như gói thuốc A. “Tôi có mua trữ sẵn thuốc giảm sốt, đau đầu, tiêu chảy, viên C,... Giờ bình thường mới rồi mắc Covid-19 thì lôi thuốc ra uống thôi” - ông Hòa nói.
Chia sẻ về việc chăm sóc 5 F0 trong nhà, gồm 2 người lớn và 3 trẻ con trong khoảng nửa tháng, chị Phạm Ngọc Dung (thành phố Thủ Đức) cho hay: “Sau khi chồng tôi test nhanh Covid-19 thấy 2 vạch. Tôi chủ động liên hệ với y tế phường và được phát cho gói thuốc A. 4 F0 còn lại trong gia đình, tôi tự tay mua thuốc, chăm sóc”.
Trong thời gian chăm sóc một lúc 5 F0 trong nhà chị Dung cũng thấy hoang mang. 2 người lớn đã tiêm vaccine nên có phần yên tâm, phần còn lại lo cho 3 trẻ em. Tuy nhiên, ngoài việc mua những loại thuốc đơn giản ở hiệu thuốc như paradol, paracetamol, thuốc ho, sổ mũi,... chị Dung cũng lùng sục trên mạng tìm mua những loại đặc trị hơn tại “chợ” mạng như: Favipiravir 200 mg do Ấn Độ sản xuất, Tynenol 500 mg của Mỹ sản xuất. “Đang lúc “dầu sôi, lửa bỏng”, rủi ro mọi người có chuyện gì thì mệt nên thấy mọi người chỉ mua, người bán thì quảng cáo nên tôi cũng “thủ” cho chắc ăn” - chị Dung tâm sự.
Lo ngại F0 điều trị tại nhà trở nặng, thời gian qua người dân cũng săn lùng các loại thuống kháng đông Rivaroxabban, thuốc kháng viêm Prednisolone,... Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho rằng, không phải cứ F0 là được cấp các túi thuốc giống nhau. Y tế địa phương sẽ cấp thuốc dựa trên triệu chứng của bệnh nhân. Trường hợp không được cấp thuốc thì F0 cũng cần khai báo để được can thiệp, hỗ trợ kịp thời khi bệnh trở nặng hoặc chuyển viện.
Không tùy tiện dùng thuốc điều trị Covid-19
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cảnh báo, F0 dùng không đúng thuốc, không đúng thời điểm rất nguy hiểm. Các loại thuốc khánh viêm, kháng đông chỉ nên sử dụng khi bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức là từ ngày thứ 7 trở đi. Lúc đó, cơ thể có thể bị suy hô hấp, rối loạn đông máu,... Việc dùng những loại thuốc này với liều lượng như thế nào cũng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Theo ông Châu, giai đoạn từ 3 - 5 ngày đầu sau khi nhiễm SARS-CoV-2 chỉ cần dùng những loại thuốc điều trị triệu chứng và nhóm thuốc kháng virus. Lúc này người bệnh cần dùng những loại thuốc chữa triệu chứng sốt cao, đau họng, nhức mỏi cơ,... cùng việc bổ sung các loại vitamin, thuốc bổ tăng đề kháng chống sự nhân lên của virus Covid-19.
“Bất kỳ bệnh lý nào cũng phải dùng thuốc đúng người, đúng thời điểm. Có những toa thuốc hiệu quả với người này nhưng người khác sử dụng có thể có biến chứng. Do đó, người dân phải thận trọng trong việc dùng thuốc, tránh xuất huyết, ảnh hưởng đến tính mạng” - ông Châu nhấn mạnh.
Do số lượng F0 trên địa bàn TP HCM nhiều, gần đây lại có dấu hiệu tăng ca nhiễm, tăng ca tử vong, vì vậy Sở Y tế TP HCM đã kêu gọi nhà thuốc tư nhân cùng tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo Sở Y tế thành phố, nhà thuốc tư nhân cung ứng đầy đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên, các vật dụng phòng hộ, thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế thành phố. Ngoài ra, nhà thuốc tư nhân nên truyền thông, hướng dẫn sử dụng thuốc và chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhà thuốc tư nhân làm cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng.
Bà Lê Thị Diệu, chủ nhà thuốc Diệu Minh (quận Tân Phú) cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố, nhà thuốc Diệu Minh đã tham gia tư vấn, hỗ trợ các F0 đang cách ly tại nhà. Đối với việc cấp phát thuốc, nhà thuốc luôn mở cửa thường xuyên để kịp thời hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, cung cấp cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu.
“Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, chia sẻ gánh nặng với ngành y tế, trở thành trung gian giữa bệnh nhân và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh” - bà Diệu nói.