Chính mọi nghịch cảnh đã hé lộ và phát triển mọi tài năng, còn mọi thịnh vượng xa hoa làm nó chìm lắng”- Nhà triết học cổ đại Horace.
Từ tháng 8 đến tháng 12/1978, tức là cách đây vừa tròn 40 năm, tôi có may mắn đặc biệt là được học tiếng Tây Ban Nha bài bản ở Trường Quốc tế Pepito Mendoza nằm ở quận Managua phía nam Thủ đô Habana, nước Cộng hòa Cu Ba. Điều may mắn hơn nữa cho các bác sỹ Việt Nam hồi đó là được đích thân giáo sư người gốc Tây Ban Nha trực tiếp làm chủ nhiệm lớp là bà giáo Lila Rosa. Về văn học Tây Ban Nha, đẹp thế nào, phong phú thế nào, trữ tình thế nào thì đã được nhiều người nói đến. Bài viết nhỏ này chỉ muốn nhắc đến một nhận xét rất tinh tế, rất đời thường nhưng cũng rất sâu sắc, rất thú vị của nhà văn lớn Tây Ban Nha – Pedro Antonio de Alarcon (1833 – 1891) khi ông viết: “Thượng đế ban kẹo dẻo cho những ai không thể nhai được nó” (Nguyên văn tiếng Tây Ban Nha: Dios le da confites a quien no puede roerios). Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt căng thẳng của bà Lila Rosa sau khi đã giảng đi giảng lại, cố phân biệt các động từ: ăn, nuốt, nhai của tiếng Tây Ban Nha mà cả lớp vẫn chưa thông suốt.
Cuối cùng bà giáo thở dài: “Thôi tùy các em. Tôi hy vọng khi các em trưởng thành hơn các em sẽ hiểu rõ câu danh ngôn rất hay này của triết học Tây Ban Nha”.
Bà Rosa đã nói đúng! 40 năm sau, tôi đã hiểu rõ thêm phần nào về câu danh ngôn này. Đó là những cảnh trái ngang, những nghịch cảnh, những trái khoáy, những trớ trêu, những cảnh “buồm không thuận, gió không xuôi”, những hoàn cảnh “nhai cơm không vỡ, nhai sành vỡ tan” ... mà bất cứ ai cũng đã từng gặp, đang gặp và sẽ gặp trong cõi nhân sinh này.
Theo Từ điển tiếng Việt, trang 615 thì: “Nghịch cảnh là cảnh ngộ éo le, trắc trở. Thí dụ: Gia đình gặp phải nghịch cảnh. “Nghịch” là không thuận, ngược lại với thuận. Thí dụ: Phản ứng nghịch; Năm nay thời tiết nghịch. “Nghịch lý” là điều có vẻ ngược với logic thông thường, nhưng vẫn đúng hoặc khó bác bỏ”.
Qua mấy định nghĩa phổ thông, mang tính chung chung, khái quát của cuốn Từ điển tiếng Việt vừa nêu trên đã cho thấy phần nào việc tìm hiểu về “kẹo dẻo” mà Thượng đế đã ban tặng, không hề dễ dàng, không hề đơn giản.
Trước hết phải nói đến nhà triết học cổ đại Horace (Từ năm 65 đến năm 8 trước Công nguyên). Những ý kiến của ông thường được lưu trữ bằng tiếng La Tinh và hơn 2000 năm qua được coi như những Danh ngôn mẫu mực cho mọi Danh ngôn sau ông. Horace đã viết: “Chính mọi nghịch cảnh đã hé lộ và phát triển mọi tài năng, còn mọi thịnh vượng xa hoa làm nó chìm lắng” (Nguyên văn tiếng La Tinh: Ingenium res adversal nudare solent, celare secundae). Thực tế trong đời sống từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bằng vào sự ra đời và phát triển của các Thiên tài lỗi lạc trong văn, thơ, nhạc, họa, khoa học kỹ thuật đã chứng minh lời dạy của Horace là đúng. Có những kết quả phát minh đem lại án tử hình cho tác giả. Có những tác giả đã chết, tới hàng chục năm sau tác phẩm của họ mới được công nhận, mới được xuất bản. Bởi lẽ cái nghịch cảnh ở đây là mang tính thời đại, mang tính xã hội rất phổ biến. Thành ra, học giả Benjamin Disraeli (1804 – 1881) đã nhanh chóng phát hiện ra cái đáng quý, cái đáng trân trọng của những nghịch cảnh, những nghịch lý mà con người đã gặp phải trong suốt quá trình tu dưỡng, rèn luyện mình khi ông viết: “Không có sự giáo dục nào quý giá bằng nghịch cảnh” (There is no education like adversity). Thật sự biết ơn bậc thầy Disraeli, ông đã tỉnh ngộ cho con người, đã thức tỉnh cho những ai định chạy trốn, định thoái lui trước nghịch cảnh, thì nay phải nhẫn nhục, phải kiên trì, phải bám trụ bằng được để từ đó vươn lên, từ đó mới có cơ hội tiến thân, cơ hội phát triển.
Cũng bổ sung cho ý tứ này, nhà triết học William Hazlitt (1778 – 1830) còn khẳng định hơn, nói rõ hơn cái tác dụng thần kỳ của nghịch cảnh, nói rõ hơn cái tác hại ghê gớm của sự thịnh vượng giả tạo, không bền vững khi ông dặn dò: “Sự thịnh vượng là một ông thầy lớn, nhưng nghịch cảnh lại là một bậc thầy vĩ đại hơn. Sự thịnh vượng, đầy đủ mơn trớn làm lòng ta thỏa mãn say sưa, còn sự thiếu thốn tôi luyện chúng ta, làm cho lòng ta cứng cáp” (Prosperity is a great teacher, possession pampers the mind. Privation trains and strengthens it). Chao ôi, trong cảnh phồn hoa, đô hội với những sự vuốt ve, mơn trớn giả tạo tác động đến con người thì ta phải luôn tỉnh táo để thoát ra được những cảnh phồn hoa tầm thường nhỏ bé đó, để tìm thấy được những nghịch cảnh, những khó khăn lâu dài vẫn đang chờ ta, mà nhắc ta không được thỏa mãn, không được buông xuôi, phải cố gắng nữa lên, phải phấn đấu nữa lên thì quả thực là những lời vàng ngọc của Thế kỷ Triết học vàng son – Thế kỷ XIX của lịch sử loài người.
Đi sâu thêm một chút về cái tác dụng kỳ diệu của nghịch cảnh. Nó đã cho ta thấy điều gì của cuộc đời? Cũng như cái mặt phải đẹp đẽ của chiếc mề đay, ít ai để ý đến cái mặt sau lồi lõm, khó coi. Cuộc đời cũng thế, cái mặt tối, cái mặt trái ít ai phát hiện ra, ít ai khám phá ra, vì thế mới thất bại, mới ê chề, mới cay đắng. May sao, chính nghịch cảnh đã dạy chúng ta cách phát hiện thấy, cách khám xét được căn bệnh nguy hiểm mà cần phải phẫu thuật cắt bỏ ngay để cứu được cuộc đời. Ấy là công của nhà triết học Clément Colston (1853 – 1939) khi ông mổ xẻ vấn đề: “Sự thành công chắc chắn chỉ cho ta thấy một mặt của cuộc đơi, nghịch cảnh sẽ cho ta thấy mặt trái kia” (Constant success shows us but one side of the world, adversity brings out the reverse of the pictures). Cái mặt trái kia của cuộc đời, nó ra sao, nó tròn hay méo, nó hay dở, nó vui buồn ra sao mới là cái mà con người cần khám phá, cần tìm hiểu. Tìm ra cho được cái mặt trái của cuộc đời không dễ, phụ thuộc vào kỹ năng sống của từng người. Kỹ năng sống càng cao, cảm nhận hương vị cuộc đời càng nhiều. Người giầu có, người nghèo khổ phụ thuộc vào kỹ năng sống. Người có chức có quyền, người suốt đời làm công ăn lương phụ thuộc vào kỹ năng sống.
Tạm nêu công thức: Kỹ năng sống = Nắm vững mặt phải cuộc đời + Nắm vững mặt trái cuộc đời
Điều kiện cho một kỹ năng sống đúng đắn là phải dựa vào Đạo đức và Luật pháp. Ai cố tình tảng lờ Đạo đức và Luật pháp sẽ phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp. Đó là Luật Nhân Quả của Vũ trụ, của Hóa học, của Vật lý học và đặc biệt là Luật Nhân Quả công bằng của Thượng đế (tiếng Anh gọi là The Kindness of Karma).
Chỉ phân tích sơ qua như thế ta đã thấy rõ công lao của bậc thầy Clément Colston, người đã cổ vũ ta quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Đừng coi nghịch cảnh là khó khăn, gian khổ, hãy coi nó như một bài tập về kỹ năng sống và phải thực hành nó để giành điểm cao. Trong trường học (trường phổ thông, dạy nghề, đại học ...) người ta phân loại, cho điểm, xếp hạng nhất nhì. Nhưng trong Trường Đời, bài thực tập dài nhất, khó nhất, có mức điểm cao nhất là Nghịch cảnh. Ở cuộc thi dài vượt qua nghịch cảnh này sẽ có kết quả là Tồn tại hay không tồn tại (To be or not to be). Đó chính là ngôn ngữ của Thiên tài William Shakespeare, người đã dạy ta về cách chung sống với nghịch cảnh, điều khiển nghịch cảnh, chiến thắng nghịch cảnh. Khi ca ngợi nghịch cảnh có tác dụng kích thích con người, là động lực cho sự phát triển loài người, Shakespeare đã viết: “Ngọt ngào thay cái công dụng của nghịch cảnh, nó giống như một con cóc xấu xí và độc hại nhưng lại đeo trên đầu một đồ trang sức quý giá” (Sweet are the uses of adversity which like the toad ugly and venomous wears yet a precious jewel in his head).
Kết thúc trang viết, cần nhớ đến lời động viên đầy khích lệ của Emile Augier (1820 – 1889): “Thượng đế dìm người xuống nước sâu, nhưng không phải để làm cho họ chết đuối mà là để rửa sạch cho họ” (God brings men into deep waters, not to drown them, but to clean them).