Không phủ nhận, hoạt động của đội ngũ thương lái trong thời gian qua đã góp phần giúp cho bài toán tiêu thụ nông sản đỡ “bế tắc”. Giới chuyên gia nhận định, thương lái chính là mắt xích quan trọng trong kết nối thị trường.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, con số thống kê của Hiệp hội chỉ ra, vùng Đông Nam Bộ đang tồn dư khoảng 5-7 triệu con gà đến ngày xuất chuồng. Hiện, người nuôi đã chủ động giảm đàn khoảng 40% để tránh lỗ nặng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, ông Phạm Văn Bông thông tin: Hiện mỗi ngày Bình Dương tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.
Còn tại Đồng Nai, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Trần Lâm Sinh, ngoài ùn ứ hàng nghìn con heo, 200.000 con gà lông trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê, 300.000 con chim cút, tỉnh này còn dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn, thủy sản thừa khoảng 1.000 tấn…
Theo ông Quyết và lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, 3 tháng nay khi TPHCM và các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội, lượng hàng hoá tại nhiều tỉnh ùn ứ nặng. Mặc dù Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan ban ngành liên quan đã tìm cách kết nối, tháo gỡ nhưng tình trạng ùn ứ vẫn chưa giải quyết triệt để.
Nhìn thấu khúc mắc này, phân tích tại cuộc tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM” mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh đến vai trò của thương lái. Theo Bộ trưởng, từ trước đến nay, chúng ta chưa bao giờ đưa thương lái vào trong các bản kế hoạch phát triển. Chúng ta chỉ nói tới doanh nghiệp (DN), nông dân mà quên thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế là thương lái. Hay nói cụ thể hơn, các nhà lập sách có cái nhìn về thương lái chưa thật sát với thực tế.
Theo phân tích của Bộ trưởng NN-PTNT, có thể thấy thương lái là mắt xích tất yếu trong nối kết thị trường. Đặc biệt, thương lái có vai trò quan trọng khi lưu thông những mặt hàng khó tồn trữ hay trong điều kiện sản xuất ở vùng sâu và vùng xa...
Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế thì, đội ngũ thương lái tồn tại và phát huy sức mạnh do sự tác động của một số điều kiện thực tế. Trước tiên, cần phải đề cập đến mạng lưới giao thông còn hạn chế, trong khi nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Những thương lái với phương tiện giao thông thô sơ bằng ghe xuồng nhỏ có thể luồn lách vào từng con kênh, con rạch để thu gom hàng hóa đang góp phần kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa.
Nhìn rộng ra, tại những vùng sâu vùng xa của Bangladesh, Indonesia, Philippines, Thái Lan..., đều phải có vai trò của thương lái trong việc thu gom hàng hóa của người nông dân sản xuất nhỏ lẻ để phân phối lại cho các chợ đầu mối hoặc cung cấp cho các công ty xuất khẩu.
Trở lại với Việt Nam, một đất nước nông nghiệp, khi vị tư lệnh ngành nông nghiệp đã coi thương lái là một mắt xích không thể thiếu trong cỗ máy vận hành sản xuất, tiêu thụ nông sản, rất cần có những giải pháp nâng cao vai trò và năng lực cho đội ngũ này.