Tết Nguyên Đán 2025 tiếp tục là thời điểm vàng để các làng nghề truyền thống giải phóng hàng tồn kho sau một năm sản xuất. Tuy nhiên, thay vì chỉ phụ thuộc vào kênh bán hàng trực tiếp, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang thay đổi cuộc chơi, giúp các làng nghề tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, vượt qua giới hạn địa lý và thói quen mua sắm cũ.
Cú hích từ nền tảng số
Việc chuyển đổi từ bán hàng truyền thống sang sử dụng các nền tảng trực tuyến như: Shopee, Lazada, Tiki hay các trang mạng xã hội không chỉ mở rộng thị trường mà còn tạo động lực để làng nghề cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Khảo sát trên nền tảng TMĐT, các sản phẩm làng nghề như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, bánh kẹo Nam Định, kẹo dừa Bến Tre… đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc.
Trong khung giờ cao điểm từ 20h-22h, các buổi livestream bán hàng trên mạng xã hội và sàn TMĐT diễn ra sôi động. Tại Bát Tràng hay Vạn Phúc, không khó để bắt gặp những phiên livestream kéo dài nhiều giờ đồng hồ, thu hút hàng nghìn người xem và đặt hàng.
Theo ông Đặng Đình Túc, Trưởng ban đại diện làng gốm sứ Giang Cao (Bát Tràng), doanh thu từ kênh TMĐT thống kê được năm 2023 chiếm khoảng 26% tổng doanh thu của làng nghề. Năm nay, dự kiến doanh số trên nền tảng TMĐT của làng gốm Bát Tràng ước tính đạt khoảng trên 40%.
Tương tự, làng nghề lụa Vạn Phúc cũng ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ TMĐT. Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chia sẻ: “Trước đây, việc kinh doanh của làng nghề chủ yếu dựa vào khách trực tiếp. Nhưng giờ đây, sự kết hợp giữa bán hàng truyền thống và TMĐT đã mang lại nguồn lợi lớn hơn, đồng thời giúp quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.”
Các chiến dịch giảm giá, miễn phí vận chuyển và gói quà Tết hấp dẫn trên sàn TMĐT đã trở thành vũ khí đắc lực giúp các làng nghề tăng trưởng doanh thu. Những sản phẩm như bánh chưng, mứt Tết, tranh thêu tay hay gốm sứ được đóng gói thành các set quà Tết đã trở thành xu hướng, nhờ sự tiện lợi và tính thẩm mỹ.
Bứt phá doanh số nhờ TMĐT
Nhờ TMĐT, câu chuyện “được mùa mất giá” không còn là nỗi lo của các làng nghề. Tại Bát Tràng, ông Nguyễn Văn Hiếu – chủ một cơ sở sản xuất cho biết: “Trong tháng 12, chúng tôi đã tiêu thụ được 4.000 sản phẩm trên sàn TMĐT. Tết 2025, doanh thu từ sàn TMĐT dự kiến sẽ cao gấp đôi so với bán hàng truyền thống. Nhờ đó, chúng tôi có thể giải phóng lượng lớn hàng tồn kho mà không cần phụ thuộc vào khách hàng mua trực tiếp”.
Chị Hoàng Thị Lan – một hộ sản xuất bánh gai Nam Định đã tiêu thụ hơn 10 tấn bánh chỉ trong hai tuần nhờ hợp tác với các sàn TMĐT. Chị Lan chia sẻ: “Khách hàng đặt set quà Tết rất nhiều qua Shopee và Tiki. Nhờ TMĐT, chúng tôi không chỉ bán hàng nhanh mà còn mở rộng được thị trường, xây dựng được thương hiệu tại miền Nam”.
Dù mang lại nhiều cơ hội, việc ứng dụng TMĐT vào làng nghề vẫn đối mặt với không ít thách thức. Với hàng loạt nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng, các làng nghề buộc phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, và tối ưu giá thành để tạo lợi thế cạnh tranh. Nhiều hộ gia đình chưa quen với việc sử dụng công cụ quản lý trực tuyến, tối ưu hóa nội dung quảng cáo và vận hành cửa hàng online. Đối với sản phẩm nặng, cồng kềnh hoặc dễ vỡ như gốm sứ hay thực phẩm, chi phí vận chuyển cao vẫn là một rào cản lớn.
Theo TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề cần đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường xây dựng thương hiệu để phát huy hiệu quả của TMĐT. Ngoài ra, việc liên kết giữa các làng nghề để xây dựng thương hiệu chung hoặc cùng tham gia các chiến dịch quảng bá tập thể cũng là giải pháp khả thi để mở rộng thị trường.
Tết 2025, TMĐT không chỉ là công cụ hỗ trợ mà trở thành động lực dẫn dắt các làng nghề truyền thống vượt qua thách thức, nâng cao doanh thu. Từ những bàn tay khéo léo của người thợ đến từng cú click chuột của người tiêu dùng, TMĐT đang rút ngắn khoảng cách, mang lại sức sống mới cho ngành nghề truyền thống trong thời đại số hóa.