Có lần, một nhà báo hỏi tôi: Chị nhớ gì nhất ở tết Hà Nội? Tôi bảo tôi nhớ hoa đào. Sao thế nhỉ? Vì đấy là thứ hoa đậm đặc, chói màu tết Hà Nội. Đến nỗi, tôi thật khó nhớ mình được ăn uống thứ gì ngon ngọt trong tết tuổi thơ, ngày bé dại, mà chỉ nhớ nhất những phiên chợ hoa tết Hà Nội rực rỡ sắc hồng, sắc đỏ, đào bích, đào phai suốt một dải sông hoa phố cổ Hàng Lược.
Lại nhớ thơ của thi sĩ Văn Cao đã nâng giấc hoa đào lên miền Thiên Thai khi hoài nhớ, một nỗi nhớ bảng lảng siêu thực: “Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần”. Và Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, viết “Truyện Kiều” đã nhớ hoa đào thấm thía trong nỗi nhớ khôn nguôi của Kim Trọng, sau một năm xa cách tình đầu Thúy Kiều. Khi chàng Kim trở về vườn Thúy, thì hỡi ôi, nàng Kiều đã vắng bóng biền biệt, chỉ còn… “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Với tôi, từ ngày bé dại, dù là thời bao cấp khốn khó, hay thời chiến tranh bom rơi đạn nổ đầy trời Hà Nội, đỉnh điểm là tháng 12/1972, thì một khi đã về ăn tết Hà Nội, trước tiên là phải sắm cho được một cành đào chơi Tết. Năm nào Tết Nguyên đán của tôi cũng thế. Sau này, Hà Nội no đủ hơn, thì sắm thêm chậu quất, cành mai trắng, hoa thủy tiên cầu kì và sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, là chơi hoa mai vàng miền Nam, đã đổ bộ ra khắp các chợ tết Hà thành…
Từ năm 1992 đến 2000, suốt 8 năm định cư ở TPHCM, là 8 năm hai mẹ con tôi một mực đem nhau về ăn tết Hà Nội. Năm 2000, mẹ con tôi chuyển vùng về lại Hà Nội và tiếp tục ăn tết Hà Nội, cho đến năm 2014, vợ chồng con gái tôi, cùng hai cháu ngoại vào TPHCM làm việc và sinh sống.
Cha mẹ hai bên nội ngoại đều ở Hà Nội, quê gốc cũng Hà Nội, nên năm nào cũng đều đặn, cứ Tết là dắt díu nhau về, đi chợ hoa Hàng Lược, chợ hoa đường Âu Cơ… sắm tết Hà Nội, thăm cha mẹ, họ hàng hai bên nội ngoại. Khi hai bên nội ngoại lần lượt chuyển vùng từ Hà Nội vào TPHCM theo con cháu, thì hợp lưu cả hai nhà gồm ba thế hệ, quyết định ăn tết sum vầy đầu tiên tại cùng một tòa nhà cao tầng của cư xá Saigon Pearl.
Giữa lúc ấy đại dịch Covid-19 bùng phát suốt 2 năm trời ở thành phố phương Nam nắng gió với nhịp sống công nghiệp sôi động nhất nước này. Nhịp sống ấy bỗng dưng bị đứt mạch. Biết bao mất mát đau thương do dịch bệnh đã xảy ra ở TPHCM. Và cuối cùng, cả nước Việt Nam đã quyết tâm sống chung với dịch Covid-19.
Cho đến trước Tết Nhâm Dần 2022, gia đình chúng tôi mới thật sự hoàn hồn. Và cái Tết ấy bỗng thành ấn tượng lớn nhất của tôi, về con người và mảnh đất phương Nam. Tôi thấy mình thấm thía thương mến và thương đau mảnh đất này. Chính là Sài Gòn-TPHCM đã che chở cả gia đình 3 thế hệ chúng tôi, khi định cư ở đây, được hội đủ sức mạnh và cả sự may mắn nữa, vượt qua được đại dịch, trong vòng tay yêu thương và sức mạnh “nội lực tự sinh”.
Tôi không thể bỏ thói quen chơi chợ hoa tết. Tôi lên taxi, từ Saigon Pearl, băng qua Sở thú, băng qua Dinh Độc Lập một mình đi ngắm đường hoa Nguyễn Huệ.
Đúng là cả một dọc dài đường hoa đô hội, của một đô thị lớn, khác hẳn chợ hoa Hàng Lược giữa lòng phố cổ Hà Nội là những phố nhỏ, mà tên chữ đầu của nó luôn là Hàng: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Mành... Không thấy mua bán tưng bừng, chỉ thấy người người Sài thành đi ngắm hoa và chụp ảnh bên hoa.
Tôi bỗng choáng ngợp giữa hai hàng cây mai gốc lớn, hoa mai chi chít nở vàng chói chang trên cành cao cành thấp. Đúng là những nhà thiết kế đường hoa Nguyễn Huệ đã chọn những gốc hoa mai cổ thụ nhất, để trồng hai bên con phố dài và cổ kính nhất cho người yêu hoa tha hồ ngắm nhìn và chụp ảnh. Tôi đi bộ lững thững, thấy cây mai nào cũng đẹp, vươn cành nở tung cánh hoa vàng rực rỡ, nên tôi đến gần cây nào cũng dừng lại ngắm nghía, chụp hình lia chia.
Người dân đi lại đông như nêm trên đường hoa mai vàng và tíu tít ngắm nghía chụp ảnh. Tôi chọn một cây hoa mai đang nở rực rỡ, toan đưa điện thoại lên chụp, thì một giọng con gái êm nhẹ bên tai: “Em chào cô, em là trò cao học báo chí của cô đây. Cô nhớ em không?”. Tôi ngớ người, nhìn em và xin lỗi, chỉ thấy gương mặt quen quen mà không thể nhớ tên. Em lựa góc đứng, ngắm mai nở trên cao, chụp cho tôi mấy tấm hình, mà theo em, có đủ cả trời xanh, mây trắng bay trên trời, nóc nhà cao tầng, và những tà áo dài phấp phới bay ngang, làm nền cho cô - người Hà Nội mà. Chụp xong em bảo: “Rất Hà Nội cô ạ!”. Còn tôi thì cười vui: “Rất Sài Gòn chứ em”.
Ríu rít trò chuyện suốt đường hoa, đến cuối đường, thầy trò dừng lại trước tượng Trần Hưng Đạo. Thầy trò cùng chắp tay cúi lạy vị tướng anh hùng nhà Trần thuở xưa, từng đại thắng quân Nguyên đã hơn một lần xâm lược bờ cõi nước Nam ta.
Cuối đường hoa, em xin lỗi tôi phải về. Mẹ em nhiễm bệnh Covid-19, em từ Mỹ về thăm mẹ bệnh, trước dịch. Mẹ mất, lo xong đám tang mẹ, em bị kẹt lại vì dịch, phải ở lại. Ngớt dịch, đã được tiêm vaccine, em đang chuẩn bị sang Mỹ học trở lại, lấy bằng tiến sĩ truyền thông. Em bảo sẽ rất nhớ tôi, cô giáo Hà Nội. Chính em đã đưa tôi lang thang phố xá, làm quen Sài thành. Tôi đùa: “Tuổi xế chiều, cô đang vui lòng ăn cái tết phương Nam đầu tiên và sống phần đời cuối ở nơi nắng gió ngập tràn này…”
Chiều tối hôm đó, tôi về, đã thấy con tặng một cành đào bích Hà Nội chơi rằm tháng Chạp, và hứa 30 Tết sẽ tặng một cành đào phai cho năm mới Nhâm Dần. Dường như con cháu tôi đã hòa hợp với mảnh đất này, và đã vượt dịch rồi tiếp tục sống. Với con tôi, cháu tôi có lẽ chúng không quá bận tâm nghĩ về hoa đào tết Hà Nội như tôi.
Song có lẽ tôi nhầm chăng, khi con gái dựng cành hoa đào bích vào góc căn hộ riêng của tôi, và nói: “Con đặt hoa đào tặng mẹ đấy. Sáng sớm ở Hà Nội, người bán đã chặt hoa gói lại, chuyển máy bay, tối đã mang đến tận nhà. Mai mẹ đi chợ hoa gần đây, chọn một chậu mai và quất xanh, mẹ mua hai nhánh đào nhỏ rước về chưng bàn thờ bà ngoại nhé”. Bọn trẻ nhà tôi vẫn nhớ hoa đào và yêu thích sắc vàng rực nắng của hoa mai.
Cái Tết Nhâm Dần năm ngoái của tôi là tết sum vầy hoa mai hoa đào, sum vầy trong gia đình, cùng vượt dịch, và không ngoái về những buồn thương do đại dịch gây ra. Tôi nghĩ, tốt nhất là vượt dịch bằng sự khỏe mạnh trong sự hợp lưu hoa mai hoa đào ngày tết.
Còn năm nay, trong hân hoan hạnh ngộ của mùa xuân Quý Mão, tôi lại ăn tết bên sắc mai đào quyện hòa trong nắng ấm phương Nam, và hoài nhớ về những Tết xưa Hà Nội…