Giáo dục

Thưởng Tết cho giáo viên: Còn đó những tâm tư

Dung Hòa 07/01/2024 11:27

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, cùng đó câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên luôn là nỗi băn khoăn. Khái niệm về tiền thu nhập tăng thêm hay thưởng Tết không phải địa phương nào, trường nào cũng có, bởi nó còn phụ thuộc vào chủ trương của từng địa phương và lãnh đạo mỗi nhà trường.

giao-vien-dung-lop.jpg
Một tiết học của cô trò trường tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. ẢNH: QUANG VINH.

Thực hiện khác nhau giữa các địa phương

Thu nhập tăng thêm là khoản chi trả cho cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan thực hiện chế độ tự chủ trong phạm vi quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm được xác định cụ thể theo từng năm. Theo quy định tại Thông tư liên tịch 71, quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi xác định tại mục 2, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) nhưng phải trên cơ sở gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (từng bộ phận trực thuộc). Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan.

Trên thực tế thời gian qua, việc thực hiện thu nhập tăng thêm cho giáo viên ở một số địa phương như TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu… đã được chú trọng. Đặc biệt TPHCM đã đưa việc này vào Nghị quyết về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức nên chuyện giáo viên các nhà trường được nhận thu nhập tăng thêm từ nhiều năm nay rất đều đặn và nhiều trường chi khoản này cho giáo viên khá lớn.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TPHCM khóa X (năm 2022), các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến hết thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Tiếp đó, ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023 (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành). Riêng giáo viên TPHCM ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, thầy cô sẽ được nhận thu nhập tăng thêm 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông (hạng III) có hệ số lương bậc 5 (3,66) sẽ được nhận thu nhập tăng thêm: 3,66 x 1,8 x 1,8 = 11.858.400 đồng/tháng. Nếu giáo viên có phụ cấp chức vụ thì được cộng thêm vào hệ số lương. Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông (hạng III) kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn (0,25) có hệ số lương bậc 5 (3,66) sẽ được nhận thu nhập tăng thêm: 3,66 + 0,25 x 1,8 x 1,8 = 12.668.400 đồng/tháng.

Mới đây, Sở Nội vụ TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM về hệ số chi thu nhập tăng thêm năm 2024 của viên chức, giáo viên TPHCM như sau: Mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm công vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Tại Hà Nội vấn đề thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, giáo viên được quan tâm nhiều khi các đại biểu góp ý sửa đổi Luật Thủ đô mới đây. Dự thảo Luật Thủ đô quy định Hà Nội được thu hút nhân tài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực. Những người này sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Phập phồng thưởng Tết

Khác với các doanh nghiệp, ngành giáo dục không có quy định thưởng tháng lương thứ 13, hầu hết tiền Tết đều được trích từ quỹ công đoàn, quỹ tiết kiệm chi. Không cần nói tới vùng sâu, vùng xa, ở một số địa phương như Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ… các thầy cô giáo mà chúng tôi đã gặp đều chia sẻ, tiền thưởng Tết với họ là một điều xa xỉ và cũng chẳng thầy cô nào dám mơ ước nhiều.

Nhưng thực tế cho thấy, việc thưởng Tết cho giáo viên đang ở tình trạng nơi không, nơi có, nhiều nơi “có như không”. Tại Hà Nội ở khối phổ thông, các trường dân lập, giáo viên có khái niệm thưởng Tết rõ nét hơn. Trường công lập tuy có, nhưng mức thưởng chỉ là hình thức động viên.

Ở khối đại học, thưởng tết cũng là vấn đề “tùy trường”. ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT) cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2024, căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ năm 2023 đã được trường thông qua, tiền thu nhập tháng thứ 13 của người lao động làm việc tại trường là 20 triệu đồng/người.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động, các cơ sở đào tạo công lập không bắt buộc phải thưởng tết cho giáo viên hợp đồng. Còn theo khoản 2 Điều 3 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, căn cứ tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, khi thực hiện cải cách tiền lương, quỹ tiền thưởng của viên chức sẽ bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Tuy nhiên, quỹ tiền thưởng của viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 hiện chưa được triển khai. Do đó, giáo viên là viên chức sẽ không được thưởng tết. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật chưa quy định nào thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương "tháng 13" cho giáo viên.

Chia sẻ thêm về việc thưởng Tết, ThS. Phạm Thái Sơn cho hay, chính sách thưởng Tết của nhà trường được áp dụng bắt đầu từ năm 2022, thưởng cho lao công cũng bằng mức của hiệu trưởng. Ngoài khoản tiền thưởng Tết, hàng năm, nhà trường cũng đều dành một khoản tiền lớn để lì xì cho tất cả các cán bộ, giảng viên, nhân viên và người lao động đang làm việc tại trường. Theo ThS. Phạm Thái Sơn, hàng tháng, các cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường tùy theo vị trí công tác, bằng cấp thì cũng đã có mức thu nhập cao hơn nhân viên, người lao động bình thường. Còn trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tất cả người lao động, từ lao công, tạp vụ cho đến các vị trí lãnh đạo chủ chốt của trường thì đều có nhu cầu đón tết cùng với người thân như nhau, cần có những khoản chi tiêu cần thiết dành cho gia đình và người thân. Hiện nhà trường có khoảng hơn 700 cán bộ, giảng viên và người lao động đang làm việc tại trường. Thông thường quỹ thưởng Tết của nhà trường ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội) trăn trở, dù năm 2023 và thời gian tới, trường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, còn nhiều việc phải làm nhưng với quyết tâm đổi mới, cải thiện, nhà trường sẽ cố gắng cân đối, phấn đấu tiền thưởng Tết Giáp Thìn tăng hơn so với dịp Tết Quý Mão.

Đại diện Cục nhà giáo cho biết thêm, Công đoàn ngành giáo dục cũng có nhiều chương trình chăm lo cho giáo viên vào mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, cả nước có hơn 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Với nguồn lực hạn chế, công đoàn cũng chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ cho một số giáo viên đặc biệt khó khăn.

ts-vu-minh-duc-them-anh-box-trang-12.jpeg

“Thưởng và chăm lo Tết cho giáo viên là điều khiến cả ngành tâm tư, đau đáu nhiều năm qua. Dịp cuối năm, Cục Nhà giáo luôn nhận được rất nhiều ý kiến, chia sẻ của thầy cô về việc thưởng Tết. Khi nhìn những ngành nghề khác có lương tháng 13, thưởng Tết, các thầy cô không khỏi chạnh lòng, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Hiện kinh phí mua quà lễ, Tết của các trường được lấy từ phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, nhưng ngân sách trường công lập thường hạn hẹp, tiết kiệm 10% mỗi năm cũng không đáng kể. Thực tế có những trường ngân sách cả năm 100 triệu đồng, tiết kiệm được 10 triệu nhưng chăm lo cho mấy chục giáo viên thì quà Tết cũng chỉ có tính chất tượng trưng”

TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thưởng Tết cho giáo viên: Còn đó những tâm tư