Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri tỉnh Hòa Bình

N.Lộc 16/10/2023 15:41

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 16/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Cùng tham dự có các ĐBQH: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của các đại biểu: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình; đại diện các sở, ban, ngành; huyện ủy, UBND huyện Lương Sơn cùng đông đảo cử tri của huyện.

Phát huy vai trò cầu nối của cử tri với Quốc hội

Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đã thông tin đến cử tri về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11. Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật. Kỳ họp cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, như: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công…

Kỳ họp cũng xem xét các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.

Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Báo cáo về kết quả hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH từ sau Kỳ họp thứ 5 đến nay, bà Ngọc cho biết, căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai và đổi mới, đa dạng các hoạt động xây dựng pháp luật. Đoàn đã kịp thời tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ theo yêu cầu và kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung sát với tình hình thực tiễn đối với 17 dự thảo luật dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành trao đổi ý kiến với cử tri.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành trao đổi ý kiến với cử tri.

Bên cạnh việc giám sát các chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH còn lựa chọn, xây dựng kế hoạch để tổ chức khảo sát, giám sát những vấn đề đang được dư luận, cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm như: tổ chức khảo sát “việc quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” tại các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, thành phố Hòa Bình và tổ chức giám sát tại UBND tỉnh Hòa Bình.

“Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, gắn bó mật thiết, liên hệ thường xuyên với cử tri và Nhân dân, nắm bắt tình hình thực tiễn và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của địa phương. Thực sự là cầu nối phản ánh những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đến với Quốc hội, Chính phủ, các ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương”, bà Ngọc cho biết.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH đã tích cực tham gia, tổ chức triển khai các hoạt động khác như: Tham gia các hoạt động khác do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức mà đại biểu là thành viên. Đoàn cũng đã chuẩn bị tốt các điều kiện tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV...

Tiếp thu, giải quyết các vấn đề cử tri nêu

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri thể hiện sự đồng tình, nhất trí với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua.

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu ý kiến về: việc quan tâm đầu tư cho văn hóa; xem xét việc tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính linh hoạt, đảm bảo điều kiện cơ sở, vật chất cho cơ sở sau sắp xếp; quan tâm đến việc hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế; quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại vùng trọng điểm về quốc phòng…

Cử tri nêu ý kiến tại Hội nghị.
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị.

Tiếp thu ý kiến cử tri, đại diện lãnh đạo cơ quan trực thuộc tỉnh đã giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời trực tiếp giải đáp, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.

Đối với kiến nghị cử tri liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi đây là “động lực mềm” để phát triển đất nước; các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách, quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa, trong đó có tỉnh Hòa Bình.

Cùng với 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững… đang được triển khai, các cơ quan chức năng cũng đang xây dựng chương trình MTQG về phát triển văn hóa, từ đó bổ sung nguồn lực quan trọng cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Liên quan đến vấn đề sắp xếp đơn vị và công tác cán bộ sau sáp nhập đơn vị hành chính, bà Trương Thị Mai khẳng định, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được cả nước tiếp tục tập trung thực hiện. Qua quá trình sắp xếp, các địa phương, đơn vị cần rút kinh nghiệm trong công tác này để linh hoạt trong tổ chức thực hiện, lưu ý một số trường hợp xem xét không sắp xếp đối với các địa bàn đã ổn định; có yếu tố đặc thù… , tránh máy móc, rập khuôn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Liên quan đến vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông, bà Trương Thị Mai cho biết, vấn đề này đã được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH giải đáp. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu và chuyển đến Bộ Giao thông vận tải để xem xét giải quyết; đồng tình với đề xuất của cử tri về có giải pháp hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế…

Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của huyện Lương Sơn thời gian qua. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những tháng còn lại của năm vẫn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri tỉnh Hòa Bình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO