Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm để có thể vững chân tại các thị trường.
Tập trung tăng chất lượng và giá trị
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của đề án là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Mục tiêu của đề án không chỉ là tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng đang phải mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nêu lên bức tranh của ngành thủy sản thời gian qua, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, thuỷ sản xuất khẩu gặp khá nhiều rào cản, một trong những rào cản lớn đó là là nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, thuỷ sản Việt Nam còn phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa vì vậy đến nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ FTA. Bên cạnh đó, thuỷ sản Việt Nam khi xuất khẩu còn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như: thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, quy định về SPS và TBT, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động...
Trước những khó khăn trên, phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp thực hiện đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 được tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, đề án trên nhằm đạt vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản với mục tiêu không chỉ dừng ở tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tuy nhiên, việc triển khai đề án của Bộ NNPTNT cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế đó là thị trường đầu ra một số sản phẩm thủy sản chưa ổn định; xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô, đông lạnh thiếu hẳn phân khúc chế biến sâu... Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, nhất là thủy sản nuôi chưa mang tính bền vững.
Chú trọng phát triển các thị trường chủ lực
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản Việt Nam, ngành cá tra thời gian qua cũng đối diện không ít khó khăn. Để có thể đưa ngành cá tra vượt qua các rào cản, thách thức, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nêu ra hai vấn đề quan trọng cần giải quyết, đó là kiểm soát chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh.
Về kiểm soát chất lượng sản phẩm, Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ NNPTNT cùng các đơn vị liên quan phải vào cuộc kiểm tra để bảo vệ chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành cá tra Việt Nam. Bên cạnh củng cố chất lượng sản phẩm, vấn đề quan trọng là phải kéo giảm giá thành sản xuất: giảm tỷ lệ hao hụt, tăng trưởng nhanh, giảm dịch bệnh, hệ số thức ăn thấp. Ngoài ra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng kiến nghị Bộ NNPTNT hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất vào tất cả các công đoạn của quy trình nuôi (thức ăn, vật tư thiết yếu, công nghệ thu hoạch,…) và quy trình chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Đồng thời, tập trung phát triển các thị trường chủ lực và đàm phán để mở cửa thị trường nhập khẩu tiềm năng...
Đưa ra giải pháp để phát triển ngành thủy sản ổn định và bền vững, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, DN trong ngành cần tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế. Đồng thời, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nhằm xây dựng thương hiệu, khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị. Theo Cục trưởng Cục Thuỷ sản, việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó: tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%). Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 -16 tỷ USD.