Theo dự đoán của các tổ chức quốc tế, bất chấp nhiều thách thức, nhu cầu thủy sản của nhiều thị trường trên thế giới vẫn tăng trong năm 2023. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bứt phá trong năm tới bằng việc tập trung khai thác mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng quốc tế.
Nhu cầu thế giới tăng
Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Rabobank, năm 2022 là năm giá đầu vào tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các vấn đề địa chính trị vì vậy năm 2023 có thể sẽ chứng kiến những vấn đề tương tự: Chi phí sẽ cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng và có sự thay đổi trong tiêu dùng vào năm 2023.
“Các nhà sản xuất thực phẩm, bao gồm cả các nhà sản xuất thủy sản, cần lường trước và thích ứng với những thách thức về tính bền vững và các mối đe dọa dịch bệnh để tiếp tục cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn” – Rabobank nhận định và đưa ra dự kiến năm 2023, giá sẽ duy trì ở mức cao. Các doanh nghiệp (DN) đang đối phó với chi phí cao bằng cách thu nhỏ kích thước gói và giảm phạm vi. “Tuy nhiên, các DN cũng phải tính đến hành vi của người tiêu dùng trong môi trường suy thoái – chẳng hạn như chuyển sang các sản phẩm tiện lợi, như chả cá và xúc xích, và chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn” – Rabobank khuyến nghị.
Đơn vị này cũng dự đoán rằng cá hồi sẽ tiếp tục có nhu cầu cao ở nhiều thị tường. Cùng với đó, nguồn cung tôm toàn cầu cũng sẽ duy trì ở mức cao, bất chấp chi phí sản xuất tăng cao hơn.
Đó là những điểm cho thấy cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 cho các DN xuất khẩu thủy sản đến các thị trường là rất lớn. Bởi vậy, các DN thủy sản Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để lấy đà cho việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường có nhu cầu thủy sản tăng cao.
Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục của xuất khẩu thủy sản sau một thời gian chật vật vì tác động của đại dịch Covid -19. Con số 11 tỷ USD xuất khẩu là minh chứng rõ nét cho sự hồi phục. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 đạt tỷ USD và cá ngừ đạt 1 tỷ USD. Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%. Các thị trường cũng tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 15 - 75%. Riêng thị trường Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD và Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.
Chủ động ứng phó với rủi ro
Thủy sản vốn là một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thế nhưng chiếc thẻ vàng IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp) được Ủy ban châu Âu (EC) rút ra 5 năm trở về trước nhằm cảnh báo về khai thác thủy sản không an toàn đã khiến ngành thủy sản xuất khẩu chịu những tác động rõ rệt.
Tuy nhiên, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả DN, nhà quản lý, ngư dân vùng biển... tấm thẻ vàng đang dần được khắc phục. Điều này đã phần nào giảm áp lực cho xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, nhờ việc ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo nên những bàn đạp để ngành thủy sản bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định: “Xuất khẩu thủy sản đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch”. Đối với các thị trường đều có sự tăng trưởng rõ nét. Đặc biệt, với thị trường Hoa Kỳ, theo ông Hòe, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường này vì năm 2004 bị chống bán phá giá với thuế suất cao, nhưng gần 20 năm chúng ta kiên trì theo đuổi và đưa ra những giải pháp ứng phó, xuất khẩu vào thị trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Chủ động trong vấn đề nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng được ngành thủy sản đặt ra trong chiến lược kinh doanh, xuất khẩu của mình. “Khi toàn thế giới bắt đầu giai đoạn cao trào của đại dịch, các DN thủy sản vẫn tiếp tục kiến nghị Chỉnh phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tiếp tục nuôi trồng thủy sản. Đây chính là động lực để ngành thủy sản phục hồi nhanh sau đại dịch” – ông Hòe chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC) cho rằng, DN hiện nay không thể tồn tại và phát triển nếu thiếu thông tin, cho nên, việc thu thập, tổng hợp đánh giá thông tin về thị trường được đội ngũ lãnh đạo DN Sao Ta hết sức quan tâm, để khi nhìn thấy những bất ổn là có cách xử lý kịp thời.
Khẳng định, xuất khẩu thủy sản nói riêng, các ngành hàng nói chung sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2023, tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, giai đoạn đầu năm 2023, DN nên đẩy mạnh xuất khẩu sang các nền kinh tế tiềm năng như Trung Đông.
Dự báo nửa sau năm 2023, kinh tế các nước và nhu cầu thị trường sẽ hồi phục, điều này thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại. Do vậy, DN cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu, nguồn lực, nguồn vốn để có thể đón cơ hội.