Kinh tế

Thủy sản xuất khẩu: Tăng trưởng ở nhiều thị trường

Khanh Lê 09/04/2024 07:00

Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023.

anhtren(2).jpg
Xuất khẩu thủy sản đã có những tín hiệu tích cực. Ảnh: Chu Khôi.

Tín hiệu phục hồi

Theo Vasep, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất, trong đó xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16%, đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%... Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản, trong quý I/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25%. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba…

Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc - đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.

Tại thị trường Mỹ, riêng xuất khẩu tôm trong quý I tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13-53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2, ở mức 2,66 USD/kg. Doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.

So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.

Theo Vasep, từ đầu năm đến giữa tháng 3/2024, nếu tính trên các thị trường đơn lẻ thì Australia là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu tính ở khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai, chiếm 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tôm, cá tra và một số loài cá biển là các mặt hàng thủy sản chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, tôm chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang Australia; cá tra chiếm trên 12%, còn lại các mặt hàng cá chẽm, mực, cá trích, cá mú…

Vẫn theo Vasep, cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Cẩn trọng trước quy định của đối tác

Trong quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp. Kỳ vọng sau các Hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên.

“Có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường” - đại diện Vasep nhận định.

Với thị trường Australia, dù được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng cho thủy sản Việt Nam trong thời gian tới nhờ có Hiệp định CPTPP, song theo bà Phùng Thị Kim Thu – Chuyên gia thị trường ngành hàng tôm của Vasep, Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng nuôi trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng nuôi trồng, chế biến. Cùng đó là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông thủy sản xuất khẩu sang Australia.

Tương tự, dù là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU, Ba Lan đang là thị trường đáng chú ý trong 2 tháng đầu năm 2024 với tốc độ tăng trưởng 786% so với cùng kỳ, đạt hơn 2 triệu USD, chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, mặc dù thị trường Ba Lan chưa gặp khó khăn đặc biệt gì về hàng rào kỹ thuật nhưng các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan, hay các nước EU khác vẫn sẽ gặp khó khăn vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy sản xuất khẩu: Tăng trưởng ở nhiều thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO