Năm 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên được chọn tổ chức “Năm du lịch Quốc gia 2024” với chủ đề: “Vinh quang Điện Biên Phủ - trải nghiệm bất tận”. Sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Điện Biên trong năm nay chính là lễ hội đua thuyền đuôi én được tổ chức tại thị xã Mường Lay từ ngày 31/12/2023 đến 3/1/2024.
1.Lễ hội đua thuyền đuôi én ở Mường Lay (Điện Biên) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 vào đầu mùa xuân như một sự phục hồi lễ hội truyền thống cầu sông nước mưa nắng thuận hòa, cầu an cầu phúc của người Thái nói chung, trong đó đua thuyền là nghi lễ chính.
Thuyền đuôi én là một "đặc sản" của sông Đà, cũng là một bản sắc văn hóa của người Thái Trắng vùng ven sông Đà thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Đó là dạng thuyền ban đầu có đáy là một con thuyền độc mộc, tức thuyền làm từ một thân cây khoét rỗng được ghép ván ở hai mạn thuyền, đuôi thuyền uốn cong có hai nhánh giống hình đuôi én. Từ đó, người Thái Trắng gọi nó là “hứa hang én”, tức “thuyền đuôi én”.
Dạng thuyền này có nhiều loại, loại nhỏ nhất chỉ có 1 chèo, loại lớn nhất có 10 chèo, khoang thuyền thường rộng khoảng 0,8 - 1,2 m. Nhìn chung, đó là dạng thuyền nhỏ dài để dễ thích ứng với sóng nước và ghềnh thác sông Đà, dòng sông lớn và hiểm trở nhất vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, đó lại là con đường thủy chính quan trọng nhất kết nối Tây Bắc với vùng Bắc Bộ, giữa người Thái với người Việt trong hàng ngàn năm lịch sử.
Cách đây đúng 70 năm, đại tá Henri Roux, một sĩ quan Pháp có niềm đam mê nghiên cứu dân tộc học, trong một công trình về các tộc ít người ở Bắc Đông Dương công bố năm 1954 đã ghi lại ấn tượng của ông về các con thuyền của người Thái Trắng trên sông Đà như sau:
“…Không gì xúc động và thán phục bằng khi được tận mắt thấy đoàn thuyền xuôi ngược của người Thái Trắng… Khi thuyền đi ngược, những người lái thuyền hò la dồn dập để chung sức, người đẩy, người chèo, người kéo thuyền đi hết tốc lực lên tới đầu thác. Khi thuyền đi xuôi, họ lại khéo léo đưa các con thuyền lướt như tên bay mà vẫn luồn lách tránh được các mỏm đá lởm chởm ngay giữa dòng trong những đợt sóng gầm thét... Không còn nghi ngờ gì nữa, người Thái Trắng có những tay chèo thuyền giỏi nhất vùng Đông Dương này.
Nhà văn Nguyễn Tuân, trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” in năm 1960 đã mô tả “dòng sông Đà có quãng dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn suốt năm như đòi nợ, bất cứ người lái thuyền nào, nếu không thận trọng là bị lật ngửa thuyền. Rồi trên sông lại có những vũng nước xoáy từng hút khiến thuyền bị hút dựng ngược như trồng cây chuối rồi vụt biến đi, mươi phút sau mới thấy xác tan tành ở đoạn sông dưới".
Ông cũng mô tả những người lái con thuyền lớn sáu bơi chèo trên sông Đà như những chiến binh nắm chắc cửa sinh, cửa tử của dòng sông cũng như binh pháp của thần sông, thần đá để đưa con thuyền cưỡi sóng như cưỡi hổ vút đi như một mũi tên tre xuyên qua thác dữ. Có lúc, gặp thác dữ, họ phải khiêng thuyền lên bờ, lật nghiêng thuyền ra mà kéo đến gần cây số, vượt qua cả những bờ đá dốc ngược… Để rồi khi đêm xuống, họ quây quần trong hang đốt lửa nướng ống cơm lam và kể nhau nghe về những “mỏ” cá, tức những nơi có nhiều cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng, cá chiên, những loài cá đặc sản của sông Đà.
Nguyễn Tuân không nói rõ, nhưng chúng ta có thể hiểu những người lái đò sông Đà đó là những người Thái Trắng, chủ nhân của con thuyền đuôi én.
Con thuyền đuôi én sông Đà đúng là con thuyền đã bao đời chở duyên, chở tình của người Thái. Trong thơ ca dân gian Thái, chúng ta thấy có những câu:
“…Anh yêu em như con thuyền yêu dòng nước…
…Chờ khi nước hai dòng về tụ
Thuyền em đậu bến trên chòng chành
Thuyền anh đậu bến dưới lênh đênh
Ta hãy chèo thuyền nhìn nhau quanh vực nước xoáy
Chở em đi bán gạo anh không tính tiền thuyền
Chở em đi bán muối anh không tính công chèo lái
…Chàng trai nghèo khổ nhất là chàng trai
Khi lao thuyền xuống thác không ai cầm chèo giúp lái
Khi lao thuyền xuống vũng xoáy chẳng ai đợi ai chờ…”
2.Một điều ít người biết đến là quan hệ cội nguồn giữa thuyền đuôi én Thái Trắng với dạng thuyền chim - rồng Đông Sơn. Trên mặt trống Ngọc Lũ, chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp và cổ nhất hiện còn, chúng ta thấy các con thuyền đầu hình rồng (rắn, cá sấu) với đuôi hình chim cách điệu.
Đuôi thuyền có hai nhánh, một nhánh có hình đầu chim, một nhánh có hình đuôi chim, nhưng được thể hiện nhánh trước nhánh sau so le trên mặt phẳng. Tuy nhiên, trên một số trống đồng khác, lại có hình thuyền với đầu thuyền chẽ đôi vươn cao gần gũi với đuôi thuyền đuôi én Thái Trắng.
Tục làm thuyền hình chim hay hình rồng phản ánh tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim và Ông Tổ Rồng của người Bách Việt xưa. Việc đặt tên chim cho thuyền vừa theo nguyên tắc “trông mặt đặt tên”, vừa là một dạng ma thuật thể hiện mong muốn thuyền có thể lao nhanh khéo như chim.
Trong lịch sử, người Bách Việt đã có những con thuyền mang tên một loài chim vật tổ cụ thể như cò/diệc, hồng hoàng, hải âu và én. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (Hà Nội) có trưng bày mô hình một chiếc thuyền mông đồng, dạng thuyền chiến chính của thủy quân Việt Nam từng có vai trò to lớn trong các cuộc thủy chiến từ thời Ngô Quyền đến thời Nguyễn.
Mông đồng là một tên gọi khác của chim hồng hoàng hay mỏ sừng, một loài chim vật tổ của nhiều nhóm Đông Sơn miền núi. Hình chim hồng hoàng được thể hiện rõ trên một vành hoa văn trên trống Ngọc Lũ. Gốc của thuyền mông đồng hay hồng hoàng là dạng thuyền chiến dài và hẹp, có tốc độ nhanh, tấn công và phòng ngự đều rất hiệu quả, đặc biệt đầu thuyền có gắn mũi lao nhọn như mỏ chim có thể cắm vào thuyền địch.
Là loài chim di cư bay thành đàn báo mùa xuân, với đôi cánh nhọn và cái đuôi chẽ đôi đặc trưng, bay lượn nhanh như thoi đưa, đẹp như tiên múa, chim én trở thành một biểu tượng của mùa xuân, gắn với sự đoàn tụ, chung thủy, sinh sôi nảy nở, may mắn, tốt lành, từ đó trở thành một vật tổ của một số nhóm Đông Sơn vùng núi - thung lũng, là tổ tiên trực tiếp của các tộc người Tày, Thái sau này.
Trong văn hóa cổ truyền của người Tày ở Việt Bắc (nhóm Thái phía Đông), biểu tượng chim én có vị trí đặc biệt. Hình én có trên bàn thờ tổ sư và trên trang phục của các bà đồng được gọi là bà Then hay bà Trời. Ở đó, chim én là chim thiêng kết nối đất với trời, con người với tổ tiên - thần thánh.
Tết tháng Giêng, người Tày có dạng bánh gạo nếp gói bằng lá dong, tua lá được cắt hình đuôi én gọi là bánh đuôi én; rồi đến Rằm tháng Bảy, họ lại có dạng bánh gói bằng lá gai cũng có tua hình đuôi én, được cặp thành từng đôi treo trên sào hoặc trên dây trông giống như đàn én đang đậu. Cả hai dạng bánh đều dùng để cúng tổ tiên. Người Tày còn có một điệu múa mang tên múa én, một trò đánh cầu làm bằng lông chim hay lông gà, gọi là đánh én, người chơi (một người hay nhóm) bên trai bên gái dùng vợt gỗ đánh cho quả cầu bay đi bay lại như con én. Họ gọi tục trai gái đi du xuân cầu tình yêu và may mắn là tục đi én hay chơi én… Chàng trai gửi thư tình cho cô gái, gấp hình chim én để thể hiện mong muốn thư đi nhanh tới tay người yêu.
Trong tâm thức biểu tượng âm - dương của người Thái Tây Bắc (nhóm nói tiếng Thái phía Tây), rắn là biểu tượng cho âm - nước, còn én là biểu tượng cho dương - trời và đất. Chim én còn là một biểu tượng cho sức mạnh dẻo dai trường tồn, cho sự tốt lành may mắn. Có lẽ vì thế, người Thái Trắng, nhóm dân sống và di cư theo dòng nước sông Đà, đã bảo lưu lâu đời nhất dạng thuyền đuôi én của tổ tiên thời Đông Sơn.