Đó là kết quả “Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016” được Bộ GD&ĐT cùng UNICEF vừa công bố sáng 23/1 tại Hà Nội. Theo đó vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường độ tuổi 5 tuổi cao nhất (14.7%), cao gấp 6 lần vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo báo cáo trên, ở độ tuổi tiểu học và THCS, khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên cũng có tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất.
Trong khi đó Đông Nam Bộ cũng có tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở mức cao (độ tuổi 5 tuổi chiếm 7.6% , độ tuổi tiểu học 2.1%, độ tuổi THCS 7.6%).
Theo nghiên cứu, tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa từng đi học hoặc đã bỏ học đã giảm đáng kể so với năm 2009. Dân tộc Khmer và Mông tuy có tiến bộ đáng kể sau 5 năm nhưng vẫn có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất so với nhóm dân tộc khác.
Ở độ tuổi 5 tuổi tỷ lệ trẻ ngoài nhà trường của nhóm hộ nghèo nhất cao hơn nhóm giàu nhất gấp 3 lần, ở tiểu học là 5.5 lần và ở độ tuổi THCS là 10 lần. Trẻ em độ tuooti tiểu học và THCS ở nông thôn đều thiệt thòi hơn thành thị ở tất cả các vùng, trong đó thiệ thòi nhất là trẻ em nông thôn của 2 vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Ở các gia đình di cư, tỉ lệ trẻ em không đi học cao hơn ở các gia đình không di cư 1.2 lần ở độ tuổi mầm non 5 tuổi, 1.6 lần ở độ tuổi tiểu học và 1.7 lần ở độ tuổi THCS.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh- Vụ Dân tộc của Quốc hội cho biết: Tây Nguyên là vùng có đông dân tộc thiểu số, trong 30 năm dân số tăng gấp 3 lần, trẻ em ngoài nhà trường ở khu vực này cũng chiếm tỉ lệ lớn. Có những vùng may mà có thầy cô tăng cường vào, khoảng 300 hộ dân tộc Mông di cư vào,rất nhiều em gái 12-13 tuổi không đến trường. Trong khi đó, dân di cư từ Campuchia về từ 5-10 năm trở lại đây có xu hướng “nóng”. 10 tỉnh có biên giới với campu chia thì hàng vạn hộ đã trở về, đồng nghĩa chỉ có 1/3 quốc tịch Việt Nam cũ còn lại là Campuchia, không có quốc tịch Việt Nam thì đồng nghĩa việc điều kiện học tập, an sinh xã hội không có. Tới An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh thì thấy rằng trẻ em 12-13 tuổi không đi học.
Trước thực trạng này, bà Mai Hoa- Ủy ban Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần quan tâm hơn đến trẻ em di cư. Bởi Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng kinh tế phát triển, nhưng trẻ em ngoài nhà trường đông, liệu có phải liên quan đến vấn đề nghèo đói không? Cùng với đó ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất… con em các lao động trẻ sẽ gia tăng trong thời gian tới, cần sớm có hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Quang Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TP HCM) thừa nhận khó khăn trong việc giảm tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường. Hiện nay, TP HCM nhận tất cả học sinh trên địa bàn kể cả không có hộ khẩu, chính quyền địa phương vận động trẻ đến lớp nhưng vẫn có những bất cập. Thậm chí trẻ bỏ học còn vì lý do gia đình… trốn nợ. Lâu nay, TP HCM mỗi năm xây dựng khoảng hơn 100 phòng học, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.