Hiện tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Chính sự thiếu hụt này đã làm ảnh hưởng lớn tới phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam.
Bữa ăn của trẻ em ở vùng cao ngày càng được quan tâm hơn.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dinh dưỡng, do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em vẫn ở mức cao 24,3% (năm 2016) và có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là hơn 30% và Tây Nguyên là 34,2%.
Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Thực trạng suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi ngoài yếu tố di truyền, theo TS Mai có liên quan rất nhiều đến yếu tố dinh dưỡng
Thực tế hiện nay dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, người cao tuổi… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bữa ăn học đường của trẻ em, học sinh, bữa ăn ca của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lượng và thành phần dinh dưỡng. Từ phân tích khẩu phần ăn thực tế của trẻ từ 02 – 11 tuổi, TS Lê Bạch Mai cho biết, khẩu phần ăn của trẻ hiện chưa bảo đảm đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng (như vitamin A, Vitamin D, canxi, Fe, kẽm…). Trong khẩu phần ăn hàng ngày của cả trẻ bình thường cũng như trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi đều không đủ canxi và các vi chất thiết yếu giúp hấp thu canxi vào xương hiệu quả.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, có cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng. Cứ 10 trẻ có bảy trẻ thiếu kẽm. Cứ 2 trẻ có 1 trẻ thiếu máu.. Tại một số tỉnh có nhiều trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức hơn 30%.
Hiện nay, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Năm 2016, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam là 164cm và nữ thanh niên là 153cm. Với mức chiều cao trên của người Việt còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.
Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 tăng chiều cao của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010. Để góp phần đạt được mục tiêu này, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, các bậc phụ huynh cần lưu ý bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ gồm khoáng chất như sắt, kẽm, canxi; vitamin A, D, K2… Đặc biệt là vitamin K2 là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhưng thường ít được biết đến. Vitamin K2 có nhiều trong thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, trứng, sữa...
Một số nguy cơ dẫn đến tình trạng thấp còi ở trẻ dân tộc thiểu số được xác định do khẩu phần ăn không hợp lý, trẻ không ăn đủ số bữa tối thiểu, nhiều trẻ không được bú đến 1 tuổi. Đồng thời, nhiều hộ gia đình nghèo nhưng sinh nhiều con và khoảng cách sinh con ngắn (năm một). Chiều cao của bố mẹ thấp, mẹ cao dưới 1,45 m, bố dưới 1,55 m. |