Hễ cứ nhắc đến âm nhạc và những vũ điệu samba cuồng nhiệt, người ta sẽ nhớ đến Brazil. Trà đạo đã trở thành một nét văn hóa đại diện cho nước Nhật... Có thể thấy, văn hóa truyền thống là thứ làm nên sức hấp dẫn lâu bền nhất cho du lịch của mọi quốc gia.
“Làm giàu nhờ… samba”
Samba là một thể loại âm nhạc và khiêu vũ có nguồn gốc từ châu Phi. Trên thế giới, nó được xem là một biểu tượng của Brazil và lễ hội Carnival nổi tiếng của đất nước này. Với người Brazil, những điệu nhảy lắc hông đầy gợi cảm và cách ăn mặc hở hang để phô bày thân thể của phụ nữ trong Carnival ở Rio de Janeiro là niềm kiêu hãnh của họ và là cơ hội để tôn vinh nét đẹp của cơ thể.
Tại Brazil, từ những khu nhà ổ chuột tới đường phố lớn, đâu đâu cũng thấy samba. Nếu nói du khách tìm đến Brazil để xem samba, nhảy samba thì chắc cũng không sai, bởi mỗi năm, chỉ riêng carnival Rio de Janeiro cũng đã thu hút tầm 6-7 triệu du khách trong vòng hai tháng lễ hội. Carnival năm 2017, Rio de Janeiro đã đón 1,1 triệu lượt khách nước ngoài, thu về 3 tỷ Real (tương đương 964 triệu USD). Lễ hội này cũng tạo ra khoảng 250.000 công ăn việc làm cho người dân địa phương. Theo khảo sát của hãng lữ hành Riotur, 94% khách quốc tế tham dự lễ hội samba bày tỏ hài lòng với thành phố mang tên "Sông tháng Giêng" và muốn quay lại địa điểm này.
Như thế, có thể nói ngành du lịch Brazil đã và đang “làm giàu nhờ samba” không?
Tích hợp văn hóa bản địa – tăng sức hấp dẫn cho điểm đến
Ở Việt Nam, mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng văn hóa riêng để có thể làm nên sức hấp dẫn như thế. Ví như đi Huế thì sẽ được nghe nhã nhạc cung đình, đến Quảng Nam Đà Nẵng sẽ thấy làn điệu bài chòi… Độc đáo hơn như vùng Tây Bắc, bấy lâu nay, du khách Tây ta cứ háo hức được đi Sa Pa đúng dịp chợ tình đêm thứ Bảy mỗi tuần, để được thấy trai gái người Mông, Giáy, người Tày… dập dìu tìm nhau trong tiếng khèn lá, khèn môi.
Nhưng mấy ai có đủ thời gian đến Sa Pa đúng dịp chợ tình, rồi lang thang khắp các làng bản để cảm nhận đủ hơi thở của văn hóa trong từng điệu khèn tiếng sáo. Thế nên nếu gom cả văn hóa bản địa của các dân tộc ở Sa Pa vào một nơi nào đó, để du khách có thể biết người Dao, người Thái nấu rượu thế nào, làm bánh dày ra sao, dệt thổ cẩm cầu kỳ như vậy… có lẽ sẽ thú vị hơn.
Lên Sa Pa, đến Sun World Fansipan Legend, du khách đã và sẽ được thấy một cách “tích hợp” văn hóa bản địa khá thú vị như thế, trong những lễ hội được liên tục tổ chức tại khu du lịch.
Hồi đầu năm mới 2017, du khách đến Sun World Fansipan Legend được “ăn Tết” trong một không gian văn hóa đậm chất vùng cao, khi lễ hội Khèn hoa và không gian văn hóa Tây Bắc được tổ chức suốt 2 tuần. Cũng tại lễ hội này, lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức một hội thi múa khèn quy mô, bài bản, hội tụ tới 12 đội khèn xuất sắc trên toàn khu vực.
Tết vùng cao được tái hiện trong không gian lễ hội, với những đào rừng, hoa mai, hoa mận, những cúc đại đóa, lan Sa Pa… và chợ phiên nhộn nhịp với đủ thứ đặc sản Tây Bắc. Đi hội xuân vùng cao, sẽ là thiếu sót nếu không tham dự những trò chơi dân gian truyền thống như đi cà kheo, ném còn, đánh én, nhảy sạp, múa xoè, thổi khèn lá, bịt mắt đập niêu… Khăn Piêu của các cô gái Thái, cạp váy Mường xòe hoa dập dờn muôn sắc… Rượu cần, thắng cố, trâu gác bếp… góp thêm cho bữa tiệc xuân những hương vị đậm nồng.
Chị Helen Nguyễn, một Việt kiều Canada, xúc động: “Năm nay về nước ăn tết cùng gia đình, được lên đỉnh Fansipan đúng dịp lễ hội, được thấy những điệu múa khèn của người H’Mông, được ném còn, nhảy sạp… thật không muốn xa quê hương nữa. Tôi cũng không nghĩ là quê hương mình giờ có những khu du lịch đẹp và độc đáo thế này”.
Còn nghệ nhân ưu tú Sần Tráng- Trưởng ban Giám khảo cuộc thi múa khèn tại Lễ hội cho biết: “Phát triển du lịch và văn hóa, nói tổng thể du lịch chính là văn hóa và văn hóa chính là du lịch. Thông qua những cuộc thi như thế này, bà con giữ gìn bản sắc văn hóa. Còn về mặt kinh tế, Công ty Cáp treo Fansipan đã giúp bà con có thêm một nguồn thu khác ngoài nông nghiệp, tạo cho địa phương ngày càng phát triển.”
Sau Lễ hội khèn hoa và Không gian văn hóa Tây Bắc, Sun World Fansipan Legend tiếp tục mang đến “hơi thở vùng cao” trong nhiều lễ hội liên tục được tổ chức như Lễ hội hoa đỗ quyên, Lễ hội rượu và văn hóa ẩm thực Tây Bắc, dẫn dắt du khách khám phá men say vùng cao với các bếp nấu rượu tái hiện quy trình chế biến các loại rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dáy, Xa Phó, H’Mông, Dao đỏ, với các món ăn đậm hương vị núi rừng như thắng cố, trâu gác bếp nướng, bánh chưng đen, cơm lam… Ông Alex Walker, du khách người Anh đã phải thốt lên: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, dù đã tìm hiểu trên mạng về văn hóa ở vùng Tây Bắc Việt Nam, nhưng tôi vẫn thấy bất ngờ vì sự độc đáo mà không nơi nào có”.
Hai năm vừa qua, du lịch Lào Cai bứt phá ngoạn mục. Sáu tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt: 2.337.269 lượt, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: đặc biệt ấn tượng khi lượng khách nội địa tăng tới 94,3% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt: 6.450 tỷ, tăng 112,6% so với cùng kỳ. So với năm 2014, khi Lào Cai mới chỉ đón 1,47 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt 3.276 tỷ đồng thì có thể nói, con số 6 tháng đầu năm 2017 quả là một bước tăng trưởng ngoài sức tưởng tượng.