Số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và một số tỉnh thành có dấu hiệu tăng.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng xung quanh những giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng.
PV: Ông có thể đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước ta hiện nay?
Ông Trần Đắc Phu: Trong 2 tuần gần đây, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận dịch Covid-19 tiếp tục nóng trở lại, đặc biệt là Hà Nội, một số tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và phía Bắc. Sau khi giảm xuống dưới mốc 4.000 ca nhiễm/ngày vào trung tuần tháng 10 thì đến những ngày đầu tháng 11, số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại, có ngày lên tới hơn 7.500 ca tại 60 tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp, lây lan nhanh đã xuất hiện, trong khi một bộ phận người dân lại chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy định 5K.
Thực tế, khi chúng ta nới lỏng các hoạt động như đi lại, dẫn tới việc tiếp xúc giữa người với người tăng lên, trong đó sẽ có người bệnh tiếp xúc với người lành. Người dân đi lại, tụ tập, hội họp nhiều thì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng cao, nhất là những người đi từ vùng dịch về như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, di chuyển bằng đường bộ. Khi vào thành phố, những ca F0 sẽ có điều kiện tiếp xúc rộng rãi hơn. Đây chính là nguy cơ xuất hiện những ổ dịch lớn khiến số ca cộng đồng gia tăng.
Mặc dù đây là điều đã được dự báo trước, nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là làm sao kiểm soát được dịch không bùng phát mạnh, vì hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của người dân ở khu vực Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ, miền núi phía Bắc còn thấp, nếu bùng phát dịch, người bệnh diễn biến nặng, đáp ứng về y tế không kịp, sẽ dẫn đến tử vong.
Riêng đối với Hà Nội, nơi này có nhiều ổ dịch cộng đồng nhưng số ca mắc nặng không nhiều vì phần lớn người dân đều đã được tiêm vaccine, hệ thống truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm của Hà Nội hiện nay đang hoạt động rất tốt, bởi vậy tình hình dịch bệnh của thành phố vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan lơ là. Chúng ta vẫn cần hết sức cảnh giác, nếu không dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, đúng là có bộ phận người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
-Thực tế, một bộ phận người dân suy nghĩ rằng đã tiêm vaccine rồi tức là đã an toàn – đây là suy nghĩ vô cùng nguy hiểm, bởi lẽ tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh và vẫn lây nhiễm cho người khác. Nếu lây nhiễm cho người già, người có bệnh nền hay lây nhiễm cho người tại các tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì có thể làm cho dịch bệnh bùng phát.
Theo ông, cần thực hiện những biện pháp gì để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng?
-Các tỉnh đẩy mạnh việc tiêm vaccine và chuẩn bị cơ sở điều trị, nếu không rất nguy hiểm. Chúng ta vẫn phải thực hiện chiến lược “Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch và điều trị hiệu quả”. Chỉ thay đổi giải pháp trong chiến lược để phù hợp với tình hình mới là “Zero Covid”. Chúng ta vẫn phải phát hiện dịch sớm, xử lý ổ dịch.
Xét nghiệm phát hiện ra ổ dịch sớm nhất, nếu để bùng phát rất khó dập. Đó là phong tỏa hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ để đáp ứng cho phù hợp.
Các tỉnh cũng phải hết sức cảnh giác, có biện pháp kiểm soát người từ các vùng dịch về như theo dõi sức khỏe tại nhà tuân thủ đúng quy định, không ra ngoài, tiếp xúc, giao lưu. Chú trọng nâng cao hệ thống điều trị để đáp ứng khi dịch xảy ra. Phải tuyên truyền để người dân tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo như đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên.
Thủ đô Hà Nội vẫn phải tiếp tục phát hiện sớm, truy vết, phong tỏa, dập dịch. Phát hiện càng sớm càng tốt để truy vết, dập dịch khi ổ dịch còn nhỏ, nếu để thành ổ dịch lớn, lúc đó khó kiểm soát. Hà Nội cần có những giải pháp thay đổi làm sao cho hợp lý hơn. Chẳng hạn, các ngành nghề kinh doanh được hoạt động trở lại phải có phương án, không được buông xuôi. Đơn cử, nhà hàng chỉ được hoạt động 50% công suất nhưng phải có sự kiểm tra, giám sát các cơ sở có thực hiện đúng không, đồng thời Hà Nội nên xem xét cho các F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà để chống lây nhiễm chéo ở nơi cách ly tập trung khi quá tải.
Về phía người dân, để không bùng phát đợt dịch mới, tuyệt đối không chủ quan nghĩ rằng đã tiêm 2 mũi vaccine thì không thể trở thành F0, bởi tỷ lệ người đã tiêm 1-2 mũi vaccine mắc Covid-19 rất cao. Vì vậy, người dân ở 4 tỉnh có dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long đã tiêm vaccine khi đến các địa phương khác phải tuân thủ 5K để tránh lây lan ra cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Gần TP HCM và chịu sự bùng phát dịch Covid-19 từ khá sớm (tháng 6/2021) nên nhiều địa phương phía Nam đã chủ động, có phương án đề phòng và xử lý kịp thời những ca nhiễm. Vì vậy nên dù ca nhiễm có tăng trong những ngày gần đây nhưng vẫn nằm trong kịch bản ứng phó và lộ trình hòa nhập, mở cửa nền kinh tế.
Cụ thể, tại địa bàn tỉnh Long An, khoảng 10 ngày gần đây ghi nhận trung bình khoảng 120 ca nhiễm/ngày, cao hơn khá nhiều so với thời gian trước (trung bình 75 ca/ngày). Mặc dù vậy, hầu hết các hoạt động ở tỉnh Long An diễn ra bình thường. Tương tự, số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng tăng hơn trước, với trung bình khoảng hơn 200 ca/ngày. Đây là số ca nhiễm tương đối lớn, thậm chí hơn cả thời gian cao điểm tháng 6 tới tháng 8. Tuy vậy, tỉnh Tiền Giang cũng tiếp tục duy trì việc mở cửa, phục hồi sản xuất kinh tế.
Trong khi đó tại tỉnh Bến Tre, tình hình dịch Covid-19 cũng có xu hướng tăng số ca nhiễm trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Tuy nhiên các hoạt động đời sống xã hội, dịch vụ công nghiệp của tỉnh Bến Tre vẫn diễn ra bình thường nhưng theo hướng nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ trước dịch bệnh.
Đoàn Xá