Sáng ngày 24/5, tại lễ công bố Kết quả nghiên cứu “Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư - Thực trạng khuyến nghị và chính sách” đã chỉ ra rằng, trẻ di cư ít có cơ hội được học ở các trường mầm non công lập vì rào cản hộ khẩu, trong khi đó các nhóm trẻ tư thục độc lập thiếu kinh nghiệm về quản lý và yếu về chuyên môn.
Với trẻ di cư, được học tại trường mầm non công lập vẫn là giấc mơ
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, cả nước mới chỉ có 122 trường mầm non ở các khu công nghiệp (KCN) – Khu chế xuất (KCX) dẫn tới tình trạng thiếu trường mầm non công lập tại đây và những địa phương có đông lao động di cư tự do. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non là không đủ.
Cùng với đó công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư thiếu đồng bộ và còn khoảng trống trong thực hiện chính sách phát triển cơ sở mầm non ngoài công lập. Các chính sách hiện tại về quy hoạch đất xây dựng các công trình phục vụ người lao động còn nhiều bất cập.
Nghiên cứu cũng chỉ ra việc trẻ em di cư chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng quyền chăm sóc và vui chơi. Người lao động di cư không có thời gian dành cho bản thân và phải làm việc ca kíp, làm thêm giờ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Có tới 62% người được hỏi cho rằng, trẻ em di cư không tham gia các hoạt dộng địa phương tổ chức và 25% cho rằng, ít tham gia do không có thông tin hay bố, mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa đón con tham gia.
Thực tế trên cũng dẫn tới hậu quả là nhiều trẻ em không được bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục theo tiêu chuẩn Công ước về trẻ em (CRC) mà Việt Nam đã ký. Do thiếu nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân và người dân địa phương, nên mở thêm hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo vệ tinh tư thục, dân lập để lao động nhập cư gửi con…Tuy nhiên, một tháng hết khoảng 1-1,5 triệu đồng là vô cùng khó khăn với công nhân.
Từ thực trạng trên nhóm nghiên cứu đề xuất chính quyền các địa phương có KCN- KCX và có đông người lao động di cư thực hiện rà soát, dự báo, điều chỉnh qui hoạch phát triển các dịch vụ công bao gồm mầm non công lập gắn với nhà ở của công nhân nhằm bảo đảm trẻ di cư không bị phân biệt đối xử trong tiếp cận giáo dục, bao gồm các khoản đóng góp trái tuyến vào các trường công lập.
HĐND ở các địa phương có đông KCN, KCX ban hành nghị quyết để các trường mầm non công lập ở các KCN, KCX nhận trông trẻ ngoài giờ và ngày nghỉ với chi phí phù hợp để lao động di cư gửi con trong thời gian tăng ca.Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) thống kê số lượng lao động và trẻ em di cư ở các bậc học này tại các địa phương có nhiều KCN, KCX để đề xuất tăng phân bổ ngân sách cho các địa phương này nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục mầm non theo tinh thần Luật Giáo dục (sửa đổi) 2015” - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ Vương Thị Hanh- đại diện nhóm nghiên cứu đề xuất.