Văn hóa

Tiềm năng kinh tế từ định danh di sản

Phạm Sỹ 24/12/2024 14:15

Với kho tàng di sản văn hóa quý giá và đồ sộ, việc số hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn mở ra tiềm năng khai thác kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa…

anhtren1.png
Không gian triển lãm số museehue. Ảnh: Phygital Labs.

Khi di sản xuất hiện trên không gian số

Các hình ảnh di tích, đồ vật di sản khi được làm thành đồ lưu niệm cũng có thể khai thác dưới góc độ kinh tế số. Ngoài ra, những sản phẩm văn hóa không chỉ là hiện vật mà còn là tài sản sở hữu trí tuệ quý giá cần được bảo vệ. Nếu ứng dụng công nghệ, chúng ta có thể khai thác mô hình mới này để phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy kinh tế số.

Mới đây, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã định danh số 10 cổ vật Triều Nguyễn. Các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Khác với mã QR đang được sử dụng để lưu trữ thông tin, chip NFC Nomion gắn trên cổ vật có khả năng mã hóa dữ liệu, bảo mật cao và chống bị làm giả, bảo đảm sự độc bản và liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý và phiên bản số.

Song song đó, bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), phiên bản số của cổ vật mang giá trị chứng thực sở hữu cũng như tạo ra tài sản số từ tài sản thật là cổ vật. Khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh quét chip gắn trên cổ vật, tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D cổ vật.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, ứng dụng công nghệ số là bước tiến mới trong việc tích hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa triều Nguyễn cũng như giá trị văn hóa nói chung, đáp ứng xu thế ứng dụng số hóa di sản, phát triển công nghiệp văn hóa.

Trước đó, linh vật Nghê trong văn hóa cổ truyền Việt Nam trở nên sống động, gần gũi hơn nhờ cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”. Bằng việc dùng smartphone tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu, người dùng sẽ bước vào một thế giới tri thức phong phú, là sự kết nối quá khứ với hiện tại trong Không gian Số sinh động. Đặc biệt, nội dung sách này chỉ truy cập được khi tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu.

Hay như việc các chuyên gia, kỹ sư đã sử dụng công nghệ để đưa các cổ vật được định danh lên không gian số tại museehue.vn. Từ nền tảng vũ trụ ảo này, người dùng được trải nghiệm đa giác quan trên nhiều thiết bị điện tử, kính thực tế ảo… Từ khi đưa vào ứng dụng, museehue.vn đã đón nhận hàng nghìn lượt truy cập, tương tác.

ThS Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển) cho rằng, việc xác định và ghi nhận thông tin về di sản văn hóa thông qua quá trình số hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn. Bằng cách lưu trữ chi tiết về các hiện vật, có thể xây dựng nền tảng tổng hợp, thống nhất cần thiết để bảo vệ di sản, phục vụ cho việc nghiên cứu di sản và quan trọng là nghiên cứu tổ hợp di sản; đồng thời tận dụng hiệu quả di sản này cho mục đích phát triển kinh tế và quảng bá văn hóa hiệu quả.

anhtren2.jpg
Không gian triển lãm số museehue. Ảnh: Phygital Labs.

Nhân bản giá trị di sản

Theo các chuyên gia, công nghệ vật lý số tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc bàn về tham quan triển lãm số, sản xuất và phân phối các sản phẩm phái sinh, và mua bán các bản sao số của các hiện vật di sản. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho các tổ chức văn hóa.

Theo TS Trần Hậu Yên Thế - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, khi công nghệ đồng hành cùng di sản sẽ đem lại đường hướng phát triển bền vững. Các giá trị di sản khi được nhân bản lên sẽ góp phần quảng bá giá trị các di tích.

“Cùng với đó, đây là những tác phẩm phái sinh thì quyền lợi sẽ được bảo đảm thông qua định danh. Bởi khi định danh sẽ có được các thông tin xác định được người làm ra các vật phẩm đó. Qua đó thương hiệu của làng nghề cũng được khẳng định. Việc định danh trên môi trường số cũng là hình thức khẳng định quyền sở hữu trí tuệ. Trước đây, việc có thông tin về sản phẩm là rất khó thì với công nghệ số, định danh số sẽ là kênh quảng bá trực tiếp di sản, làng nghề và câu chuyện văn hóa của những sản phẩm đó” - ông Thế cho biết.

Theo ThS Nguyễn Đắc Tới, việc tạo ra sản phẩm từ di sản văn hóa không chỉ giúp bảo tồn giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển sáng tạo và kinh tế trong cộng đồng. “Thông qua công nghệ số hóa, các đơn vị văn hóa sở hữu di sản, di vật có thể tạo ra các sản phẩm phái sinh. Qua đó, họ có thể tạo ra nguồn thu nhập để tái đầu tư và quảng bá di sản văn hóa số của các cổ vật, kết nối toàn cầu. Điều này hỗ trợ việc bán vé triển lãm số, hỗ trợ công tác bảo tồn và thúc đẩy sản xuất và phân phối các giá trị kinh tế cao của di sản. Ví dụ việc sử dụng các bức tranh cổ để tạo ra bộ ấn phẩm nghệ thuật hiện đại. Các tổ chức văn hóa có thể số hóa các bức tranh cổ, sau đó sử dụng chúng để thiết kế các sản phẩm như áo thun, túi xách, hoặc tranh treo tường hiện đại. Điều này không chỉ giữ vẻ đẹp truyền thống mà còn tạo ra sự kết nối giữa quá khứ và hiện đại, đồng thời giúp quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa một cách sáng tạo” - ông Tới nói.

Ông Nguyễn Huy - Tổng Giám đốc Công ty Phygital Labs - người có kinh nghiệm thực hiện định danh số cho hiện vật, di sản cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ là một cửa ngõ giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, tiến gần hơn tới công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ cũng như du khách quốc tế muốn tìm hiểu về văn hóa nhưng chưa đến Việt Nam bao giờ. Ứng dụng công nghệ để khai thác bản quyền di sản không chỉ bảo vệ các giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, mở ra cơ hội kinh tế mới và nâng cao vị thế văn hóa của Việt Nam.

Việt Nam có gần 150 bảo tàng và phần lớn trong số đó đã ứng dụng công nghệ ở các mức độ khác nhau. Việc số hóa không chỉ giúp các bảo tàng lưu giữ di sản tốt hơn, phục vụ công tác nghiên cứu mà còn đưa các hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm năng kinh tế từ định danh di sản