Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm, gây dịch chủ yếu vào các tháng hè và thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
Thông tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 16 tuổi, ở Sơn La, vào viện trong tình trạng nhiễm trùng và tổn thương não cấp tính, cụ thể là sốt cao, hôn mê, liệt tứ chi, rối loạn thần kinh thực vật.
Kết quả huyết thanh chẩn đoán dương tính với virus viêm não Nhật Bản B. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và đã qua được giai đoạn cấp tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tự thở, tuy nhiên còn di chứng yếu liệt tứ chi, đặc biệt bên phải, không tự chăm sóc bản thân được.
BS Nguyễn Sỹ Thấu - Khoa Hồi sức Truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm cho biết, virus viêm não Nhật Bản là căn nguyên hàng đầu gây viêm não virus ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus này được lây truyền qua muỗi đốt, ở Việt Nam được xác định là do muỗi Culex. Đây là là loài muỗi thường cư trú ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên còn được gọi là muỗi ruộng đồng.
Thời điểm muỗi sinh sản nhiều vào mùa hè nắng nóng, lúc mưa nhiều (tháng 5, 6, 7 tại miền Bắc); muỗi thường bay đi hút máu người và súc vật vào lúc chập tối. Vật chủ chính của virus là động vật, chim và lợn. Người là vật chủ ngẫu nhiên và cũng là vật chủ kết thúc của chuỗi lây nhiễm, do trong cơ thể người virus không thể phát triển đủ số lượng để lây nhiễm ngược lại cho muỗi, vì thế không có hiện tượng lây nhiễm trực tiếp từ người sang người.
“Hầu hết trường hợp nhiễm virus viêm não Nhật Bản không có triệu chứng hoặc có sốt, sau đó tự hết. Chỉ dưới 1% phát triển thành thể viêm não, tuy nhiên thường diễn biến nặng, tỉ lệ tử vong cao. Đặc biệt, trong số những trường hợp sống, di chứng thần kinh rất thường gặp. Đáng lo ngại là thực tế cho thấy, đa phần các ca viêm não Nhật Bản đều nhập viện trong tình trạng nặng, thậm chí có những trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn” – BS Thấu cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là do căn bệnh này có các triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như sốt, nôn ói, đau đầu… Nhiều phụ huynh chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này nên khi trẻ được đưa tới bệnh viện thì tình trạng đã nặng.
BS Lã Thị Dung - khoa Khám bệnh (Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, trong 1 đến 2 ngày đầu khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan thường các bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn nhất.
Bởi vậy, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu, nôn khan thì các bậc phụ huynh hãy nghĩ ngay đến viêm não và đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng số ca mắc viêm não Nhật Bản cũng có nguyên nhân là do không ít phụ huynh thường quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi…
BS Dung khuyến cáo, người dân cần lưu ý, hiện nay, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Các bậc phụ huynh cần thực hiện các mũi tiêm này từ khi trẻ còn nhỏ theo thời gian là mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 được tiêm 1 năm sau khi tiêm mũi 2.
Tuy nhiên, 3 mũi tiêm chủng này chỉ có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó các bậc phụ huynh sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3-4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.
Muỗi là vật trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản nên biện pháp phòng bệnh là cần phòng tránh muỗi đốt bằng các biện pháp như: Ngủ màn, mặc quần áo dài tay ở nơi có muỗi, dùng các sản phẩm xua muỗi; đặc biệt người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy thường xuyên để tránh phát sinh muỗi gây bệnh.