Tiền gửi ngân hàng bỗng nhiên... 'bốc hơi': Trách nhiệm thuộc về ai?

H.Hương 11/04/2023 06:26

Gần đây xảy ra một số vụ việc “bốc hơi” tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng, trong đó có những khoản tiền gửi lên tới cả trăm tỷ đồng... khiến dư luận băn khoăn, lo lắng về sự an toàn và quy trình giao dịch gửi và rút tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, tất cả các giao dịch nếu tuân thủ theo đúng quy định đã ban hành thì đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Theo đại diện ngành ngân hàng, tất cả các giao dịch nếu tuân thủ theo đúng quy định đã ban hành thì đều được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ảnh: Quang Vinh.

Mới đây, bà Hồ Thị Thùy Dương (Cam Ranh, Khánh Hòa) phát hiện tài khoản tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Khánh Hòa bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ ngày 4/5/2022 - 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.

Tiền tỷ không cánh mà bay

Khi xảy ra sự việc, ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Sacombank cũng khẳng định, ngân hàng không thoái thác trách nhiệm, sẽ giải quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.

Sau xác minh của cơ quan chức năng, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Hồ Thị Thùy Dương.

Đây không phải là sự việc hiếm. Trước đó, cũng có nhiều vụ việc liên quan đến việc tiền trong tài khoản gửi ngân hàng của khách hàng “không cánh mà bay”. Trong đó vụ ồn ào nhất là khách hàng VIP của Eximbank, bà Chu Thị Bình, bị mất 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm. Đáng nói, trong mọi giao dịch, bà Bình đều tin tưởng và liên hệ trực tiếp với ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng này. Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an), ông Hưng đã làm giả chứng từ ủy quyền để rút tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Bình kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016 sự việc mới vỡ lở. Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank.

Không chỉ mất tiền ở tài khoản tiết kiệm, trong hệ thống ngân hàng còn có hiện tượng bỗng dưng mất tiền ở tài khoản thẻ. Các chủ thẻ ở một số ngân hàng không ít lần thấy tin nhắn điện thoại gửi đến từ tổng đài ngân hàng thông báo có giao dịch rút tiền/thanh toán dù họ không hề thực hiện bất cứ giao dịch nào. Điều này cũng khiến không ít người đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng lo ngại về những rủi ro liên quan đến thẻ. Nhiều chủ thẻ đã chủ động chuyển tiền từ tài khoản thẻ ATM sang gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều vụ tiền tỷ bỗng dưng biến mất cho thấy, không phải cứ gửi tiết kiệm là không rủi ro. Có thể thấy, các dịch vụ ngân hàng đang tồn tại những lỗ hổng.

Giao dịch gửi tiết kiệm trực tiếp tại ngân hàng để tránh rủi ro. Ảnh: Quang Vinh.

Cần thực hiện đúng quy trình

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay quy trình nghiệp vụ liên quan đến giao dịch gửi tiền và rút tiền tại quầy cũng như giao dịch điện tử đều đã được các tổ chức tín dụng ban hành đầy đủ đảm bảo an toàn cho người gửi và rút tiền. Vì vậy, tất cả các giao dịch nếu tuân thủ theo đúng quy định đã ban hành thì đều được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có lúc xảy ra việc mất tiền trên tài khoản hoặc xảy ra tranh chấp như dư luận phản ánh trong thời gian qua. Theo ông Hùng, để xảy ra các vụ việc mất tiền gửi tại ngân hàng có nhiều nguyên nhân, song tập trung ở một số nguyên nhân chủ yếu sau: Đó là một số cán bộ ngân hàng và giao dịch viên không chấp hành đúng quy định của ngân hàng ban hành dẫn tới bị lợi dụng, tham ô; Giao dịch viên với khách hàng tin tưởng lẫn nhau bỏ qua các thủ tục cần thiết như gửi sổ tiết kiệm, ký sẵn giấy rút tiền và chuyển tiền khi nào cần thì gọi điện thực hiện giao dịch... dẫn đến bị lợi dụng; Ngoài ra không loại trừ khả năng thông đồng giữa khách hàng và cán bộ ngân hàng để trục lợi.

Trường hợp nữa, có khả năng lợi dụng sự tin tưởng của cán bộ ngân hàng là khách hàng truyền thống, khách VIP… khách hàng đã sử dụng tài khoản tiền gửi cũng như sổ tiết kiệm của mình tại ngân hàng để cho vay lãi suất cao hưởng lợi, song khi xảy ra rủi ro thì quy trách nhiệm cho ngân hàng và đòi lại khoản tiền gửi của mình tại ngân hàng. “Theo tôi, nếu ngân hàng và khách hàng tuân thủ theo đúng quy trình giao dịch thì không thể xảy ra sự cố đáng tiếc” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm bảo toàn vốn cho người gửi tiền, khi đến hạn trả thì phải trả đầy đủ gốc và lãi. Trong trường hợp xảy ra sự vụ dẫn đến thất thoát tài sản, nếu phát hiện hành vi tham ô tài sản của cán bộ ngân hàng thì tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm hoàn trả ngay.

Trường hợp cán bộ ngân hàng và khách hàng có quan hệ thân thiết hoặc tin tưởng lẫn nhau, bỏ qua các bước quy định hoặc khách hàng ký sẵn thủ tục chứng từ và những nội dung liên quan về mặt pháp lý tạo điều kiện rút tiền ra theo đúng quy trình thì trước hết ngân hàng cần sự xem xét, đánh giá thật khách quan nhằm tìm ra nguyên nhân thất thoát đồng thời làm rõ mối liên hệ giữa khách hàng và cán bộ ngân hàng thông qua các giao dịch trước đó.

Sau đó là chuyển hồ sơ cho cơ quan pháp luật để xử lý. Khi có phán quyết của cơ quan pháp luật thì ngân hàng mới có cơ sở trả hoặc không phải trả tiền cho khách hàng.

“Tóm lại, mọi hành vi của cán bộ ngân hàng gây nên thất thoát tiền gửi của khách hàng trong nội bộ ngân hàng mà không có sự cấu kết thông đồng, mối quan hệ làm ăn qua lại với khách hàng thì ngân hàng chắc chắn phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ cả gốc lẫn lãi” – ông Hùng khẳng định.

Lỗ hổng lớn

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nêu có tình trạng lập hợp đồng giả một cách có mục đích biến tài khoản ngân hàng làm trung gian để đảm bảo cho hoạt động cho vay bất hợp pháp bên ngoài ngân hàng, khi xảy ra rủi ro không thu hồi được nợ thì quy hết trách nhiệm cho ngân hàng và yêu cầu ngân hàng hoặc gây áp lực bắt ngân hàng phải hoàn trả tiền gửi hoặc sổ tiết kiệm... Hành vi này nhằm “vừa ăn lãi suất chênh lệch, vừa được đảm bảo an toàn vốn”.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc người dân bị mất tiền gửi tại các ngân hàng cho thấy lỗ hổng lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ ngân hàng.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lỗ hổng ấy có thể là quy trình ngân hàng, có thể từ việc thực hiện các quy định nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của một bộ phận cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định của Ngân hàng Nhà nước chưa đủ chặt chẽ. “Nguyên tắc trong giao dịch gửi hay rút tiền là không ký khống bất cứ giấy tờ gì. Để tránh rủi ro xảy ra, khách hàng gửi tiết kiệm nên thực hiện giao dịch tại quầy của các ngân hàng, nhất là với số tiền lớn. Khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng tốt khi có sự cố xảy ra” – ông Hiếu khuyến cáo.

Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI:

Khách hàng phải bảo mật thông tin giao dịch

Khách hàng gửi tiền tuyệt đối không đưa thông tin cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng và phải kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ... Đặc biệt không được chủ quan, dễ dãi, không giao dịch tắt ngang với nhân viên ngân hàng. Về phía ngân hàng, nhân viên cần tuân thủ mọi nguyên tắc, yêu cầu an toàn trong giao dịch với khách hàng. Ngân hàng cần đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ của nhân viên.

Quy trình mở sổ tiết kiệm tại quầy

Bước 1: Mang CMND/CCCD đến văn phòng giao dịch của ngân hàng

Bước 2: Điền đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân vào biểu mẫu đăng ký mà giao dịch viên yêu cầu

Bước 3: Thực hiện giao dịch gửi tiền, nhận sổ. Lưu ý khách hàng nên kiểm tra kỹ thông tin sổ tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi.

Quy trình rút tiền tiết kiệm tại quầy

Khi gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch của ngân hàng, khi muốn rút tiền thì khách hàng buộc phải đến trực tiếp chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng đó rồi thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

Bước 1: Xuất trình các giấy tờ cần thiết như: Sổ tiết kiệm

Nếu là cá nhân trực tiếp gửi tiền, bạn chỉ cần xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực cho giao dịch viên.

Nếu là người giám hộ hoặc người được ủy quyền rút tiết kiệm, ngoài những giấy tờ trên bạn còn phải xuất trình thêm các giấy tờ chứng minh về tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật cho trẻ chưa thành niên, người bị mất hoặc bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự

Bước 2: Ký vào giấy rút tiền với đúng chữ ký mẫu đã đăng ký khi gửi tiền tại ngân hàng.

Bước 3: Nhân viên ngân hàng sẽ kiểm tra tính xác thực của các giấy tờ trên và tiến hành trả số tiền gửi tiết kiệm mà khách hàng nhận được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền gửi ngân hàng bỗng nhiên... 'bốc hơi': Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO