Tiền hỗ trợ cũng… lại quả

Lê Anh Đức 14/06/2020 08:10

Dư luận đang hết sức bức xúc trước thông tin một số cán bộ thôn ở tỉnh Quảng Trị bắt những hộ gia đình nghèo, cận nghèo khi nhận tiền hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ phải trích lại 50.000 đồng/người để thôn... uống nước. Người nghèo vốn đã rất khổ sở bởi tác động của đại dịch Covid-19, thay vì mở lòng thương yêu, sẻ chia, giúp đỡ, sao lại có người nỡ làm thế.

Tất nhiên là khi cán bộ thôn “mở lời” “xin lại” 50.000 đồng/người thì hầu như không có hộ gia đình nghèo, cận nghèo nào dám từ chối cả, dù họ có quyền từ chối. Và dĩ nhiên sự “tự nguyện” gửi lại tiền cho cán bộ thôn uống nước khiến họ thấy không thoải mái. Làm sao có thể vui khi đang trong cơn bĩ cực bởi tác động của đại dịch Covid-19, cán bộ thôn lại vòi vĩnh, đòi chia chác số tiền ít ỏi được Chính phủ hỗ trợ giúp họ vượt qua cơn khó khăn trước mắt. Dẫu không muốn thì cũng vẫn phải gật, biết làm sao hơn.

Sẽ có ý kiến cho rằng, sự việc “xin tiền uống nước” cũng có một phần lỗi của các hộ nghèo và cận nghèo, bởi nếu họ không cho thì cán bộ thôn cũng làm gì được. Vâng, về lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế có ai dám nói không chăng? Cũng như các doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính có ai, luật nào bắt phải lót tay chi phí bôi trơn đâu, nhưng nếu không có thì còn lâu mới được giải quyết, hãy cứ chờ đó. Vậy thì các hộ nghèo, cận nghèo liệu có thể nhận tiền hỗ trợ một cách suôn sẻ nếu không “lại quả” 50.000 đồng?

Chẳng phải trong thời gian qua, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực phản ánh việc nhiều người dân không thể tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đó sao? Nhiều người dù đúng đối tượng theo quy định được hưởng hỗ trợ, nhưng các địa phương vẫn viện ra hàng tỷ lý do để “củ hành” khiến người dân chán nản rồi bỏ cuộc không nhận tiền hỗ trợ nữa. Thậm chí có địa phương còn vẫn động dân từ chối nhận tiền hỗ trợ để... lập thành tích.

Thành tích đối với địa phương chỉ đơn giản là cái bằng khen cho tập thể, cá nhân đã “tiết kiệm” được cho ngân sách một khoản tiền, do nhiều hộ nghèo, cận nghèo “tự nguyện” không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ. Xa hơn, thành tích đó có thể biến thành cơ hội thăng tiến cho một vài cá nhân nào đó trên con đường quan lộ. Đổi lại, có thể nhiều hộ gia đình sẽ không thể trụ nổi qua cơn khó khăn vì không có cái ăn, thiếu tiền trang trải cuộc sống tối thiểu hàng ngày. Song, đâu có ảnh hưởng gì tới cán bộ xã, thôn, phải không?

Trở lại câu chuyện “xin tiền uống nước” ở một số địa phương tỉnh Quảng Trị. Xét về khía cạnh pháp luật, hành vi của một số cán bộ thôn “đề nghị lại quả” có dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hoặc tội nhận hối lộ quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Xét cả về khía cạnh lương tâm và pháp luật thì hành vi của số cán bộ thôn này là không thể chấp nhận được, cần phải bị xã hội lên án, các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới không còn tái diễn tình trạng ăn chặn tiền của người nghèo nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền hỗ trợ cũng… lại quả