Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Thiều Quang Tùng, ở làng Kim Sơn, xã Đông Tiến (Đông Sơn - Thanh Hóa) là người suốt hơn 20 năm chung tay phục dựng nghề đúc trống đồng ở xứ Thanh. Anh cũng tích cực mang thương hiệu trống đồng vang xa. Giờ đây, tiếng tăm của “Tùng trống” được các nhà sưu tầm cổ vật, những người yêu thích cổ vật tìm đến.
Người tâm huyết
Vốn là người say mê văn hóa và cổ vật, văn hóa Đông Sơn đã “ngấm” và chỉ lối cho anh Tùng. Ở Thanh Hóa, cái nôi của nghề đúc đồng là làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Với lòng mong mỏi theo nghề, năm 1999, anh Thiều Quang Tùng đã đến làng Trà Đông, học nghề từ nghệ nhân Nguyễn Bá Châu. Những năm đó, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cũng đau đáu phục dựng nghề đúc đồng tại địa phương và là người có công phục dựng nghề đúc trống đồng ở Trà Đông. Người có tâm gặp người có tầm, cùng sự nhiệt thành, sau những thất bại ban đầu, họ đã thành công với những chiếc trống đồng đạt chất lượng cao.
Trực tiếp xem các công đoạn tại xưởng đúc, nhìn anh Tùng và những người thợ của mình làm trống mới thấy được sự kỳ công của nghề. Tất cả các bước làm đều phải tỉ mỉ công phu, từ đúc khuôn đến hoàn thiện một sản phẩm. Ban đầu là việc tạo khuôn. Trước khi tạo khuôn trống phải biết được đời trống mình cần đúc.
Có nhiều loại trống, khách đặt theo kiểu riêng thì lại phải vẽ, tạo khuôn theo ý họ. Sau đó, tạo hình trên khuôn gỗ. Sau đắp lớp đất chịu nhiệt, đây là loại đất sét nguyên chất, có độ dẻo cao được trộn với trấu. Khuôn còn được nẹp một lớp đất làm hoa văn không bị cháy.
Khuôn sẽ được nung chín, sau đó ghép với phần ruột bên trong. Khi hoàn thành, khuôn có 3 mảnh: 2 mảnh thân và một mảnh mặt. Mỗi chiếc trống sẽ có một khuôn riêng, mỗi khuôn chỉ đúc được 1 chiếc. Vì làm bằng đất dẻo cho nên nhiều khi trời tối vẫn phải cố gắng hoàn thiện, “Nếu để sang hôm sau đất khô, cứng, chế lại rất mất thời gian. Mà có khi còn làm hỏng trống trong quá trình đúc”, anh Tùng chia sẻ.
Chất liệu đồng nghệ nhân Thiều Quang Tùng dùng là đồng phế liệu, trong đó có khoảng 82% đồng, ngoài ra là tạp chất. Theo anh, dùng loại này tiết kiệm kinh phí mà khi nấu không phải pha thêm vì đã có lượng chì, thiếc... thích hợp trong đó. Một chiếc trống đồng nếu được đúc bằng đồng nguyên chất sẽ “dẫn” kém, tiếng không vang. Thời gian để hoàn thành một chiếc trống bình thường là 45 ngày. Cũng có thể hơn hoặc kém tùy theo loại trống to nhỏ và độ phức tạp của hoa văn.
Ở Việt Nam có nhiều làng đúc đồng, nhưng đúc trống rất hiếm. Trong xưởng của anh Tùng, người học và làm là những cậu còn rất trẻ, có cậu sinh năm 2001. Đào tạo một thợ cũng mất 3-4 năm, thậm chí 5 năm để lành nghề. Lại nữa, anh còn phải trả lương cho những người học việc, vì mất ngần ấy thời gian không lương, chẳng gia đình nào dám cho con đi học.
Vì niềm đam mê mà thời gian đầu, anh Tùng đã phải vét hết những đồng bạc cuối cùng của gia đình để học hỏi, để làm. Nhiều phen thất bại, có lần người vợ khuyên anh bỏ nghề. Sau thấy chồng quá say mê, chị đành phải ủng hộ ý chí gang thép của chồng. Ngay cả ngôi nhà cũ trong thôn cũng phải đem bán để “phục vụ” cái xưởng đúc. Giờ thì anh làm không hết việc và chỉ làm phục vụ khách đặt. Con trai anh là Thiều Quang Bách đã lành nghề và theo nghề bố. Tùng bảo, nghề đã tặng cho anh nhiều thứ và cả cuộc sống không còn phải lo cơm ăn áo mặc nữa. Và anh vẫn dành tâm huyết phục vụ nghề.
Đúc trống dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Anh Tùng nhớ lại, có một dịp khiến anh phải có trách nhiệm hơn với văn hóa. Đó là dịp Thanh Hóa kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa (2007), nhà sử học Dương Trung Quốc có về dự, sau lễ anh Tùng mời ông về xưởng đúc của mình chơi. Anh em Chi hội Di sản văn hóa Thanh Hóa có nhã ý tặng ông Dương Trung Quốc chiếc trống đồng đường kính 38cm.
Ông Quốc nói đại ý: Nếu anh em đã có nhã ý tặng tôi, xin để tôi toàn quyền quyết định về cái trống này. Tôi sẽ đem về tặng lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Tùng và một số anh em khác nói: “Vậy thì chúng tôi sẽ đúc một chiếc khác dâng Đại tướng, thể hiện được bản lĩnh và tầm vóc của Đại tướng. Còn chiếc này xin tặng ông”. Ông Quốc gật đầu ưng thuận.
Ngày 28/5/2008 đúng dịp kỷ niệm 60 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận phong hàm (năm 1948), anh Tùng đã đúc chiếc trống có mặt 60cm và chiều cao là 48cm tặng Đại tướng. Anh Tùng cho biết: “Sau khi tính được kích thước có ý nghĩa, anh Hồ Quang Sơn - Chủ tịch liên Chi hội Di sản Văn hóa Lam Kinh có ý tưởng rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật gắn với hai cuộc kháng chiến. Tôi với anh Sơn bàn nhau đưa hình ảnh của hai sự kiện là chiến thắng Điện Biên Phủ và xe tăng đánh vào cổng Dinh Độc Lập lên thân trống.
Chiếc trống này vẫn mô phỏng theo trống tìm thấy ở Quảng Xương (Thanh Hóa), hoa văn giữ nguyên theo nét trống Quảng Xương. Tang trống còn giữ nguyên họa tiết thuyền và người, phản ánh đời sống sông nước của người Việt Cổ”. Tôi hỏi: “Đúc trống và kiếm lệnh dâng Đại tướng, anh có cảm xúc như thế nào?”. Anh Tùng trả lời: “Tôi làm với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tướng tài được cả thế giới biết đến. Người đã tham gia lãnh đạo và có công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được tham gia vào công việc này”.
Sự kỳ công của người làm nghề
Anh Thiều Quang Tùng bảo rằng, mỗi bước đi của anh đều có sự thành công và giờ đây, anh tự hào vì đã học và giữ được nghề. Năm 2008, sau khi đúc trống và kiếm lệnh dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2009 anh đúc trống để dâng vào Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An). Năm 2011 anh tham gia dự án “Trống đồng âm vang đất tổ” cùng nghệ nhân Đặng Ích Hoàn, Nguyễn Minh Tuấn. Dự án “Trống đồng âm vang đất tổ” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, với tổng số 37 chiếc trống đồng được đúc. Trong đó, 18 chiếc được gửi đến các đại sứ quán Việt Nam ở một số quốc gia.
Năm 2016, anh được phong danh hiệu NNƯT. Cũng trong năm này, anh đúc hệ thống tượng nổi chuyển thể từ thạch cao sang chất liệu đồng, đặt ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Dịp Cần Thơ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch năm 2022), một doanh nghiệp đã cung tiến vật phẩm là Bộ trống Cửu Long gồm 9 trống đồng, một lá đại kỳ hình vuông cạnh dài 18m.
Trong đó, Bộ trống Cửu Long được tổ chức đúc tại địa điểm gần Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, do NNƯT Thiều Quang Tùng chủ sự, thu hút nhiều người dân chiêm ngưỡng. Nói về lần đầu tiên đúc trống đồng ở một nơi xa xôi, NNƯT Thiều Quang Tùng cho biết: “Được lời mời của công ty đại diện đơn vị cung tiến, tôi rất băn khoăn vì đường xá xa xôi, dụng cụ đúc đồng lại nặng nề. Nhưng nghĩ lại, tôi vinh dự được góp một phần công sức cho công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, là người đầu tiên đúc trống đồng tại đồng bằng sông Cửu Long nên tôi nhận lời. Chúng tôi chuẩn bị khuôn đúc từ nhiều ngày trước, vào Cần Thơ chỉ thực hiện công việc nấu đồng, đổ đồng vào khuôn đúc và gia công hậu kỳ. Tôi đã mang ê-kíp 12 người, làm 12 ngày thì xong. Sản phẩm làm ra đẹp ngoài mong đợi, các nhà chuyên môn đánh giá rất cao”.
Cũng chính vì tâm huyết, anh Tùng đã hai lần có tác phẩm được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Lần thứ nhất là nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã đúc 100 chiếc trống. Lần thứ hai anh là người đầu tiên khắc họa 9 hình ảnh tiêu biểu gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tang trống.
Giờ đây, tiếng tăm của “Tùng trống” được các nhà sưu tầm cổ vật, những người yêu thích cổ vật tìm đến. NNƯT Nguyễn Bá Châu (làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) đã truyền nghề cho anh Tùng, chia sẻ: “Anh Tùng là người tâm huyết, có tâm, giỏi nghề. Trình độ đúc đồng đạt đến độ hoàn mỹ. Anh ngày đêm miệt mài lao động, sáng tạo ra sản phẩm kết tinh được cái hồn thiêng của sông núi và cái tinh túy của cha ông”.
Nghệ nhân Ưu tú Thiều Quang Tùng đã hai lần có tác phẩm được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Thứ nhất là nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã đúc 100 chiếc trống, thứ hai anh là người đầu tiên khắc họa 9 hình ảnh tiêu biểu gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tang trống.
Năm 2008 anh đúc trống và kiếm lệnh dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2009 anh đúc trống để dâng vào Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An). Năm 2011 anh tham gia dự án “Trống đồng âm vang đất tổ” cùng nghệ nhân Đặng Ích Hoàn, Nguyễn Minh Tuấn. Dự án “Trống đồng âm vang đất tổ” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, với tổng số 37 chiếc trống đồng được đúc. Trong đó, 18 chiếc được gửi đến các đại sứ quán Việt Nam ở một số quốc gia…