Sáng nay, 24/9, tại Thái Nguyên, Tổng cục Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) (Bộ Y tế) đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Nguyên và Hội Nhà báo Thái Nguyên tổ chức Tập huấn cách tiếp cận sử dụng và cung cấp thông tin về công tác dân số cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại buổi tập huấn.
Nhấn mạnh về công tác dân số trong tình hình mới, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ, Phó Chủ nhiệm CLB Nhà báo với công tác dân số, Hội nhà báo Việt Nam cho biết: công tác Dân số đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức.
Dù đã đạt được nhiều thành công, tuy nhiên hiện nay, vấn đề về bộ máy tổ chức ở địa phương đang có sự thay đổi, cán bộ nhiều tâm tư, băn khoăn, trăn trở. Bên cạnh đó, công tác dân số vẫn còn nhiều hạn chế, nổi lên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện. Tình trạng tảo hôn vẫn còn. Tình trạng nạo phá thai đáng lo ngại,...
Trước hình hình đó, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 6 về công tác dân số trong tình hình mới có định hướng: Chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.
Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân".
TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, công tác dân số hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Mặc dù chúng ta đã kiểm soát được mức sinh, bình quân 2,1 con trên cả nước nhưng mức sinh lại không đồng đều, biến động hết sức phức tạp giữa các vùng miền; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao tại nhiều địa phương trên cả nước.
Để thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, nâng cao chất lượng dân số, khắc phục nhưng khó khăn, thách thức thì việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là giải pháp hàng đầu; công tác tuyên truyền, vận động là mũi nhọn xung yếu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Sơn, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng (Tổng cục Dân số) cho hay, yếu tố hàng đầu trong nhiệm vụ và giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền. Theo đó, trọng tâm là đổi mới nội dung tuyên truyền, tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong sinh con, nuôi dạy con tốt. Sinh ít con ở nơi mức sinh cao; sinh đủ 2 con ở nơi mức sinh thấp; duy trì mức sinh thay thế toàn quốc. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đổi mới toàn diện giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản; hình thành kiến thức và kỹ năng đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử (Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em): “Việc thực hiện nhiệm vụ chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển không chỉ có riêng ngành Y tế nói chung và Dân số nói riêng mà là của tất cả các ngành có liên quan đến dân số. Do đó, cần có bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả nhưng thích hợp với nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số và thực hiện lồng ghép yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển của đất nước. Theo đó, lồng ghép cần được coi là “từ khóa” trong công tác dân số giai đoạn hiện nay”.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng dân số cần phải tập trung tuyên truyền lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; tác hại của việc tảo hôn; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số và chất lượng dân số thấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, ngành Dân số, Y tế cần tích cực thực hiện các hoạt động của dự án sàng lọc trước sinh, sơ sinh để chẩn đoán sớm các bệnh tật, bảo đảm cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu và các phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan thông tấn báo chí đã được chia sẻ nhiều thông tin về các vấn đề quan trọng và cần thiết để giúp ngành Dân số thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển như: cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ; tăng cường hợp tác quốc tế…