Mặt trận

Tiếp nối mạch nguồn Cứu Quốc

Anh Vũ - Tiến Đạt 13/01/2024 14:45

Mỗi năm, khi Tết đến Xuân về, những người làm báo Đại Đoàn Kết lại lên kế hoạch về nguồn - thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nơi tờ báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay xuất bản số báo đầu tiên.

bai-chinh.jpg
Tấm bia lưu niệm Báo Cứu Quốc - Đại Đoàn Kết luôn được người dân Đông Xuân trân trọng bảo quản, giữ gìn. Ảnh: Tiến Đạt.

Nằm ven con sông Cà Lồ, xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trước cách mạng Tháng Tám, vùng đất Đông Xuân là nơi có nhiều điều kiện giao thông thuận lợi như đi sang Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội), sang Yên Phong (Bắc Ninh), đi Hiệp Hòa (Bắc Giang), đi Phổ Yên (Thái Nguyên), đi Phúc Yên (Vĩnh Phúc) nên đã được Trung ương Đảng chọn làm địa bàn xây dựng thành cơ sở cách mạng đảm bảo an toàn và giữ thông tin liên lạc với cơ quan Trung ương đóng ở an toàn khu tại tỉnh Phúc Yên.

Từ cuối năm 1941, nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu, đảm bảo cho các cán bộ Trung ương, xứ ủy, Ban cán sự tỉnh qua lại hoạt động đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhân dân Đông Xuân cũng như nhân dân hai huyện Kim Anh, Đa Phúc. Mặc cho địch lùng sục gắt gao, những người dân Đông Xuân vẫn bất chấp hiểm nguy để nuôi giấu, chở che cho các cán bộ Trung ương, Xứ ủy như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Lê Toàn Thư… về ăn ở, làm việc và gây dựng phong trào cách mạng.

Trên mảnh đất lịch sử này, ngày 25/1/1942 tại nhà ông Nguyễn Văn Hưu ở thôn Xuân Kỳ, số báo đầu tiên của Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay) - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã xuất bản số báo đầu tiên. Tòa soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư. Kể từ đó cho tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, thiếu thốn mọi bề, Báo Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa…

Nơi mái nhà tranh của gia đình ông Nguyễn Văn Hưu, giờ là nhà truyền thống cách mạng Xuân Kỳ. Trong căn nhà, hiện vẫn còn nguyên hình ảnh về Tổng Bí thư Trường Chinh và các nhà cách mạng tiền bối Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt... những người một thời trực tiếp làm Báo Cứu Quốc. Những bức ảnh các gia đình cơ sở cách mạng đã nuôi giấu cán bộ Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng được lưu giữ trân trọng.

Bên tấm bia lưu niệm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Triết - Bí thư chi bộ thôn Xuân Kỳ (cháu ruột của ông Nguyễn Văn Hưu) cho biết, từ nhiều năm nay căn nhà luôn được người dân trân trọng bảo quản, giữ gìn và coi là địa chỉ ý nghĩa để giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

“Vào mỗi đợt thanh niên lên đường nhập ngũ, cấp ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức tới thăm nhà truyền thống - nơi tờ báo Cứu Quốc ra đời. Đây là dịp vô cùng ý nghĩa để các em thêm hiểu về truyền thống của quê hương từ đó phấn đấu tiếp nối thật xứng đáng” - ông Triết tự hào chia sẻ và cho biết, tới đây căn nhà sẽ được quy hoạch và đầu tư hơn chục tỷ đồng để xây dựng lại. Với sự đầu tư xứng tầm này, nhà truyền thống Xuân Kỳ sẽ là một địa chỉ đỏ để các thế hệ mai sau tham quan, tìm hiểu và tri ân tưởng nhớ.

Cùng với bà con nhân dân Xuân Kỳ, Đông Xuân, mạch nguồn Cứu Quốc tiếp tục được các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết truyền giữ, tiếp nối. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đều tổ chức các chương trình về nguồn, thăm lại nơi tờ báo Cứu Quốc ra số báo đầu tiên. Những chuyến đi là hành trình của sự tri ân, bồi đắp truyền thống 82 năm qua của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Như chia sẻ của Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết, mỗi lần về với Xuân Kỳ, Đông Xuân là lời nhắc nhở những người làm báo hôm nay luôn nhớ về mảnh đất nơi tờ báo Cứu Quốc ra đời với lòng biết ơn vô hạn. Từ những chuyến đi ý nghĩa này tập thể cán bộ, phóng viên tờ báo càng thêm tự hào, ý thức được trách nhiệm của mình để giữ cho truyền thống vẻ vang, hào hùng ấy như mạch nguồn luôn chảy mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp nối mạch nguồn Cứu Quốc