Đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô với gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng đang được Bộ Công thương triển khai. Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, công cuộc tiếp sức mới có làm cho ngành công nghiệp ô tô có thực sự bứt phá?
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế, cụ thể với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nội địa hóa chỉ đạt 10-20%.
Cách thời đểm này đúng 1 năm, tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp” ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp - Bộ Công thương) cho biết, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới sản xuất được chủ yếu là sản phẩm phụ tùng, linh kiện ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu mong muốn về tỷ lệ nội địa hóa.
Hiện nay, tổng số các DN sản xuất liên quan đến ô tô là 358 doanh nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.
Do vậy, gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỷ đồng, với cơ chế tương tự như gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao để phát triển công nghiệp hỗ trợ được kỳ vọng sẽ thổi lửa cho ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra ngành công nghiệp ô tô nước nhà luôn được ưu đãi, nếu không phải dưới hình thức thuế, phí cũng là dưới hình thức hỗ trợ về chính sách. Vậy gói tín dụng 100.000 tỷ đồng có thực sự là liều thuốc mới hiệu nghiệm?
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), bày tỏ quan điểm, ôtô không phải là “sân chơi” dễ dàng trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam. DN cơ khí Việt Nam muốn cung cấp được sản phẩm hỗ trợ cho ôtô trước hết phải đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ để sản xuất ra một sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sau đó các hãng trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng mới có được hợp đồng. Chứ không phải “vẽ” ra đề án là có đơn hàng.
Theo đánh giá, dung lượng thị trường Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân về ôtô còn rất nhiều. Như vậy, thị trường cơ khí nội địa rất hấp dẫn so với nhiều nước khác trên thế giới. Ông Đào Phan Long cho rằng, trong một chiếc ôtô có hàng nghìn chi tiết, bây giờ nói hỗ trợ cho ngành này thì phải chọn trong chiếc ôtô đó những chi tiết nào mà DN cơ khí Việt Nam được hãng ôtô nước ngoài đặt hàng thì mới có sản lượng lớn.
Một số ý kiến cho rằng, nhìn từ Thái Lan phải mất tới 20 năm mới có được ngành công nghệ hỗ trợ ôtô như mong muốn. Do vậy, mấu chốt vấn đề của công nghệ hỗ trợ không bắt đầu từ tín dụng, các DN trong nước phải xây dựng kế hoạch bài bản chứ không thể mong có được ngay trong “một sớm một chiều”.