- Hàm Phong: Phê bình nghệ thuật trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí có người cho rằng “phê bình đã hết thời”. Theo ông, tình trạng lý luận phê bình nghệ thuật ở ta hiện nay ra sao?
Họa sĩ Nguyễn Quân.
- Nguyễn Quân: Tôi làm phê bình nghệ thuật đã bốn mươi năm rồi, mà từ các bậc đại lão họa sĩ cho đến các họa sĩ trẻ hai lăm ba mươi tuổi họ vẫn muốn tôi “phê bình” thế thì làm sao nói phê bình tàn lụi được. Ông Thái Bá Vân mất lâu rồi mà mọi người vẫn đọc, vẫn trích sách của ông ấy. Thế thì phê bình vẫn sống, khỏe chứ.
Tâm lý thường tình của các tác giả là các bài phê bình đều dở, trừ bài khen chính anh ta là “tạm được”! Ở đầu kia anh tuyên giáo thì muốn văn hóa nghệ thuật phải đúng như anh ấy mong muốn, mà không được thế là đổ tội cho phê bình, vì anh ấy quan niệm “phê bình là cái roi để quất con ngựa nghệ thuật tiến lên”, hay “phê bình là ngọn đèn chỉ đường cho sáng tác” là “người lính gác”. Rất hoang đường!
Theo tôi, nghề phê bình là nghề “khoa /nghệ”. Anh phê bình, trước hết là một nghệ sĩ, sau đó đấy mới là một nhà khoa học. Còn anh nghiên cứu lý luận trước tiên lại là một nhà khoa học, sau đó cũng cần phải là một nghệ sĩ, thì quyển sách của anh mới thú vị, điều anh nói mới hấp dẫn.
Cái nghiệp của anh phê bình là nghiệp về văn hóa. “Nghề khoa nghệ - Nghiệp văn hóa”. Nhà phê bình là một nhân vật của văn hóa. Anh phải làm sao có ảnh hưởng đối với văn hóa chứ không phải tác động vào tác phẩm, vào tác giả. Tất nhiên, muốn tác động vào văn hóa thì phải tác động vào tác giả, tác phẩm.
- Trăm thứ giáng lên đầu nhà phê bình, chưa kể sức ép của gallery, của chủ dự án nghệ thuật hay các cơ quan quản lý văn hóa.
Theo tôi, nghề phê bình là nghề “khoa /nghệ”. Anh phê bình, trước hết là một nghệ sĩ, sau đó đấy mới là một nhà khoa học. Còn anh nghiên cứu lý luận trước tiên lại là một nhà khoa học, sau đó cũng cần phải là một nghệ sĩ, thì quyển sách của anh mới thú vị, điều anh nói mới hấp dẫn. Họa sĩ Nguyễn Quân |
- Họa sĩ đòi anh phê bình một việc. Anh tuyên giáo đòi anh phê bình một việc. Anh lãnh đạo đòi anh phê bình một việc. Ai cũng có yêu cầu. Rồi ông chủ gallery nữa. Nhiều ông mời tôi viết rồi không dùng, còn trách: “Tôi mở triển lãm để bán tranh, mà anh viết thế thì làm sao bán được.”. Ông làm du lịch lại đề xuất thế này: “Bạn đọc của chúng em không thích sâu sắc đâu nên bác cứ viết đơn giản thôi, nhẹ nhàng thôi!” (cười) Đó là sự phân tầng. Phân tầng về mục đích sử dụng phê bình, phân tầng về trình độ văn hóa của người đọc. Người trí thức, trình độ cao thì đòi hỏi bài viết phê bình cao, sâu. Người bình thường, mà lại không yêu nghệ thuật lắm, thì mình phải viết làm sao để kích thích khẩu vị của họ, để cho họ đến với nghệ thuật. (cười) Thế rồi với những người khá giả, những đại gia hay các nhà sưu tập nữa, ông viết sao để họ mê tranh, mê tượng, để họ chi tiền ra mua tác phẩm thì mới được. (cười) Lực lượng phê bình bây giờ chuyên biệt hóa mạnh; anh này chuyên viết du lịch, nhưng vẫn là một nhà phê bình; cậu kia chuyên viết để phục vụ tuyên huấn, ai bảo cậu ấy không phải là nhà phê bình; còn ông này viết bài nghiên cứu, phục vụ trí thức, chắc chắn là nhà lý luận phê bình rồi.
Ảnh hưởng của một nhà phê bình, về lâu dài, chủ yếu thông qua những công trình nghiên cứu sâu sắc. Không sâu sắc thì không tồn tại bền lâu được. Nhưng mà đời sống hàng ngày chưa chắc cần cái sâu sắc.
- Có những thời kỳ các nhà phê bình lý luận rất có “uy” trong định hướng thị hiếu và định chuẩn các giá trị. Còn bây giờ, theo ông, vị thế của họ thế nào trong đời sống nghệ thuật đương đại?
- Hiện nay, tiếng nói của anh phê bình trong tình cảnh hậu hiện đại, tức là trong cái tình cảnh phi trung tâm hóa, không bao giờ còn có thể là “thánh chỉ” của các trào lưu nữa. Các bài viết càng ngày càng ít tính học thuyết; các cây bút phê bình nghệ thuật bây giờ chỉ đóng những vai khiêm tốn thôi, như những nhà báo thôi, nhất là trong thời kỳ thị trường hóa nghệ thuật. Ở ta cũng vậy. Nhưng sự tác động sẽ dần dần quay trở lại như thời phê bình manh nha, báo chí chưa có, đời sống nghệ thuật công cộng chưa có, bảo tàng hiếm hoi. Lúc đấy, sự tâm giao giữa những người yêu nghệ thuật, hiểu nghệ thuật, có tri thức cao, với những người sáng tạo, trong những nhóm nhỏ luôn có tác động trực tiếp. Cái tác động ở chiều sâu ấy chỉ có anh họa sĩ và anh bình phẩm biết với nhau.
- Dù sao, các nhà phê bình vẫn còn có tiếng nói trong công chúng?
- Tại sao các chủ gallery lại mời ông này nói khai mạc mà không mời ông kia? Tại sao ông này viết về triển lãm này thì người xem đến đông mà ông khác viết thì ít người đến? Như thế là uy tín cá nhân của các nhà phê bình vẫn có, và tiếng nói của họ đối với công chúng vẫn còn.
- Trong mảng lịch sử nghệ thuật, ông từng đưa ra quan điểm được nhiều sử gia nghệ thuật ủng hộ, đó là “nghệ thuật Việt Nam không phải là ngoại biên của Ấn Độ, cũng không phải là ngoại biên của Trung Quốc, mà là một nền nghệ thuật mang đặc tính độc đáo của Đông Á và Đông Nam Á”. Như vậy, không chỉ là nhà phê bình lý luận quan trọng, một nghệ sĩ thực hành đa dạng, ông còn có những nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật rất sâu?
- Thực ra thì tôi không phải là cái người giỏi về làm lịch sử. Anh sáng tác thì hay tùy tiện. Còn anh lịch sử thì phải cụ thể, chuẩn xác. Thế nhưng, cụ Nguyễn Văn Vĩnh khi được hỏi vì sao am hiểu văn học Pháp cực kỳ sâu sắc mà không viết một quyển lịch sử văn học Pháp cho người Nam đọc, thì cụ bảo rằng “Muốn viết một quyển lịch sử thì phải là một nhà triết học, và phải là một người nghệ sĩ thì mới dám viết lịch sử.”
- Xin ông cho biết quá trình thực hành trước đây và hiện nay của bản thân?
- Lúc đầu tôi chỉ muốn trở thành họa sĩ chứ không có ý định làm nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Cả hai lĩnh vực giống nhau ở chỗ phải có ham thích cộng với tính tò mò. Anh sáng tác với anh khoa học đều giống nhau ở cái ham muốn thỏa mãn sở thích và khám phá, đặc biệt về con người, chạm đến tâm hồn con người.
Trong quyển “Về cái tinh thần nghệ thuật”, danh họa Kandinsky có viết rằng “trong thời kỳ chủ nghĩa duy vật lên ngôi thì tâm hồn con người bị coi rẻ”. Xét ở chừng mực nào đó, điều này cũng xảy ra như với nghệ thuật Hiện thực XHCN trong giai đoạn chiến tranh, và tôi cho rằng một trong những việc tôi và các họa sĩ thời Đổi Mới đã làm được là động chạm được đến cái sự vu vơ cố hữu của tâm hồn con người. Sau khi anh cảm nhận được những cái rất cụ thể, rất duy vật bằng ngũ quan thì anh phải cảm đến được cái vu vơ của tâm hồn con người, “ngồi buồn thì trách ông xanh/ khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”…
- Vâng, hai câu đó mở đầu bài “Cây thông” của cụ Nguyễn Công Trứ phần nào cũng là nỗi niềm vu vơ của các thi nhân, các nghệ sĩ trước cuộc đời.
- Đúng rồi. Hay là như cái tâm trạng “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn / Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn !”
- Tâm trạng của cụ Trần Tế Xướng trong bài thơ “Đêm buồn” ?
- Đấy là cái buồn bản thể, nó là cái bản thể, phải đến được cái đấy. Sáng tác cũng thế thôi. Tôi vẽ một đằng, tôi viết một nẻo, và tất nhiên, nó không có mâu thuẫn gì cả, nó có sự hỗ trợ lẫn nhau nào đó mà mình không biết. Nhưng mà tôi nghĩ, viết hay vẽ, làm tượng, thì trước nhất giống như anh sống với vợ, với con, với bố, với mẹ, với bạn bè, đấy là một việc, một hành động sống, không có ý nghĩa gì cao siêu, không có gì to tát cả, mà nó chia sẻ mọi vấn đề do đời sống đặt ra, thí dụ như vấn đề tiền bạc, vấn đề danh tiếng, vấn đề nọ, vấn đề kia, anh phải chịu, bởi vì nó là một hành động sống thì nó phải chịu áp lực của các hành động sống khác.
- Sáng tác cũng là biểu hiện tư tưởng của tác giả, cũng là quá trình tự ý thức trước những vấn đề của đời sống?
- Đối với anh trí thức, sáng tác là một hình thức để nhận thức thế giới. Vì tôi không hiểu thế giới là gì, không hiểu tôi là ai nên tôi phải vẽ, phải viết. Thế đâm ra là tôi vẽ không phải để các ông ấy trang trí nhà cửa; tôi vẽ cũng không phải để ca ngợi chiến công, không phải ca ngợi ai cả; tôi vẽ cũng không để làm sang cho đất nước. Nếu mà thế thì thà tôi vẽ để kiếm tiền còn tốt hơn, còn thiết thực hơn. Nhưng mà tôi cũng không vẽ để kiếm tiền, vì cũng có nhiều cách kiếm tiền khác được.
Thế thì vẽ để làm gì? Mà tại sao anh cứ phải vẽ? Cái người ta bảo là định mệnh hay số phận, ở trong anh họa sĩ thật ra là có, tức là cái nhu cầu tự thân. Nếu anh ta không vẽ thì cũng chẳng biết làm gì hay hơn.
- Kandinsky cũng nói rằng chính nhu cầu bộc bạch cái bên trong của người nghệ sĩ nó thôi thúc anh ta sáng tác.
- Vâng, tôi không tin nghệ thuật là một cái “gánh nặng phải mang vác”, hay là một cái “pháp trường”, hay là một “nỗi đau khổ” gì. Không phải. Mà nếu có đau khổ trong nghệ thuật thì nó giống với cái đau khổ của tình yêu. Vì anh yêu, vì anh có hạnh phúc của tình yêu, thì anh mới hứng cái đau khổ đấy (cười). Với tôi, vẽ là một niềm vui sống.
- Ông Nguyễn Quân làm phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật với ngài họa sĩ Nguyễn Quân có đoàn kết với nhau hay cũng nhiều xung khắc?
- Ông Phan Cẩm Thượng và bà Nora Taylor, nhà nghiên cứu người Mỹ, cũng cho rằng trong tôi có hai nhân cách, hai con người. Tôi thì nghĩ là hai anh này giống nhau, mà cũng độc lập với nhau. Những điều tôi có thể viết ra, để nhận thức thế giới và hoặc là để thể hiện cái nội giới của mình thì tôi không vẽ, còn những gì tôi vẽ là cái tôi không thể thốt nên lời được.
- Hai hành vi khác hẳn nhau nhưng tổ hợp lại để hoàn chỉnh một con người. Thế nhưng tôi thấy riêng hội họa của ông cũng đã rất đa dạng và đa phong cách?
- Lúc thì tôi vẽ thế này, lúc tôi vẽ thế kia, bốn mươi năm tôi có độ một chục kiểu vẽ, thay đổi. Giai đoạn gần đây nhất, tôi hầu như chỉ vẽ đen trắng, nửa trừu tượng, nửa có hình, màu trắng sơn dầu, màu đen mực nho, có một ít màu của tranh dân gian làng Sình, tôi xé ra, tôi dán lên.
Tranh mực nho là tranh trừu tượng. Tôi vẽ bằng mực nho trên giấy dó, rồi xé ra, dán lên toan, lên sơn dầu. Loạt tranh này ít người thích.
- Nó gần với nghệ thuật ý niệm?
- Cũng không hẳn. Khi bày ở Hà Nội, có người bảo xem thấy mệt mỏi, có người lại bảo đạt đến thiền. (cười) Tôi nghĩ rằng cái việc anh mô tả, thể hiện được sự mệt mỏi, cái sự chán chường, cũng là một ‘thành công’.
- Đấy là thời kỳ của tuổi già, của lúc hướng tới niềm vui an nhàn chăng?
- Cũng có người nghĩ vậy. Nhưng tôi cho là bây giờ tôi không thích vẽ hoa, vẽ những cô gái khỏa thân không có đầu như trước nữa, đơn giản vậy thôi. Bây giờ mình đi đến một cái chỗ khác trong nội giới của mình. Cái nội giới của mình có nhiều vùng miền chứ, có nhiều khung cảnh chứ, việc gì cứ phải tự giam hãm một chỗ. (cười)
-Tự khuôn vào một vài phong cách và chủ điểm khiến hội họa mất tính độc đáo và đa dạng. Chính hội họa Đổi Mới nhờ thay đổi mạnh mẽ về chủ đề, về bút pháp, về kết cấu tác phẩm, về quan niệm không gian, quan niệm dựng hình thì mới làm nên được một diện mạo hội họa Việt Nam đổi mới và hấp dẫn.
- Giai đoạn đầu Đổi Mới rất hay, nhưng sau đó, khoảng chục năm, khi các họa sĩ có được thị trường rồi, thì một số người bị thị trường làm hỏng. Hoặc là vì dưới áp lực thị trường, họ không muốn đi sang những chỗ khác trong nội giới họ nữa, họ bảo cái chỗ này bán hàng tốt thì cứ ở đấy chứ việc gì phải chuyển qua chỗ khác (cười). Người sưu tầm cũng kêu, người yêu nghệ thuật cũng kêu. Lúc đó, nếu tôi nhớ không nhầm thì trên tờ Far East Economics có một bài viết nói về các thế hệ họa sĩ trẻ đang bán được tranh và cảnh báo rằng một khi các họa sĩ bán được tranh thì rất dễ “hỏng”, thế nào cũng có một đám “hỏng”. (cười)
- Tiền bạc cũng có mặt trái của nó.
- Đấy là quy luật của thị trường, không phải vấn đề đạo đức của nghệ sĩ. Thế cho nên nếu có khủng hoảng kinh tế, biết đâu hội họa sẽ thay đổi, sẽ hay lên, (cười) vì họa sĩ không bán được thì không vẽ cho thị trường nữa mà vẽ thật, vẽ cho chính anh ta. (cười)
- Trong vòng bốn mươi năm thực hành hội họa, ông đã thay đổi nhiều lối vẽ, mà bán được?
- Tôi đã thay đổi khoảng hơn một chục “phong cách”, bán khoảng trên 400 tác phẩm, nếu bây giờ bày cả ra thì giống như triển lãm nhóm, chứ không phải của một người. (cười) Mà phong cách nó cứ thay đổi tự nhiên, không thể cố tình. Tự nhiên mình chán, mình không vẽ cách này, mô-típ này nữa thì chuyển sang cái khác.
- Ông có cả những loạt tranh trừu tượng?
- Tôi hay vẽ theo xê-ri. Có xê-ri tôi gọi là “trừu tượng hoa quả”, tức là được gợi hứng từ những quả bí, quả bầu, những thứ có hình thù rất gợi dục, rất giống linga hay yoni, giống vú, giống mông, như cơ thể con người.
- Ông cũng làm điêu khắc nhiều?
- Tôi cũng rất thích làm tượng. Nhỏ, to bằng đồng, gỗ, đá.
- Chuyển từ 2D sang 3D?
- Đúng thế. Từ bức tranh vẽ người đàn bà siêu thực, tôi làm thành cái tượng. Từ tranh bầu bí tôi làm ra những cái tượng. Cũng thấy thú vị.
- Rồi khối 3D lại gợi cảm hứng cho ông vẽ?
- Vâng. Thế rồi từ cái tượng tôi lại vẽ thành cái tranh. (cười)
- Ông có bao giờ tham gia các trại sáng tác điêu khắc không?
Có, năm lần, ở Vũng Tàu, Huế, An Giang, Hải Phòng và ngay tại Sài Gòn.
- Chính ông là người phản đối mạnh với phong trào dựng tượng đài tràn lan phá hỏng thẩm mỹ môi trường?
- Vâng, việc đấy tôi nói lâu rồi, tôi đề nghị dừng lại lâu rồi.
- Nhưng phong trào tượng đài bây giờ có vẻ vẫn rầm rộ?
- Tất nhiên mình nói thì mình cứ nói thôi. Với tư cách một nhà hoạt động văn hóa xã hội thì mình phải nói, cho dù các nhà làm chính trị họ cũng có yêu cầu của họ.
- Thời gian tới ông có kế hoạch triển lãm nào không?
- Không có. Đến một cái tuổi nào đấy, hình như mình không muốn xuất hiện chỗ đông người. Mà nhiều người cũng thế chứ không phải riêng tôi. Nhưng cuộc đời nó đưa đẩy, biết đâu. (cười) Thực ra bây giờ tôi lại thích khoe con cháu hơn là khoe tranh tượng (cười).
- Đấy cũng là một dạng sản phẩm đầy tính nghệ thuật, đúng không?
- Khoe con khoe cháu đã đành, có khi còn khoe cả vợ. (cười)
- Cũng là một dạng thực hành nghệ thuật đương đại, là sắp đặt và trình diễn đấy ạ…
- Đương đại “mạnh” ấy chứ (cười) Nhưng mà không có nhu cầu thì cái đó cũng nguy hiểm, giống như anh không còn nhu cầu ăn uống. Ngày xưa tôi nhìn phụ nữ đẹp thì thích lắm. Bây giờ tôi nhìn các cô người mẫu, nhìn tranh khỏa thân, hay xem phim yêu đương là thấy khó chịu (cười), nhưng ngược lại, nhìn thấy trẻ con chơi lại rất thích. Ngày xưa tôi chẳng có thời gian nhìn các con tôi chơi, nhưng bây giờ tôi rất thích nhìn trẻ con chơi, chẳng hạn thế; tức là nó thay đổi.
- Ông vẫn đọc sách hàng ngày?
- Tôi vẫn đọc nhiều. Mỗi ngày đọc đến bảy tám tiếng.
- Loại sách nào ông hay đọc?
- Trước thì tôi thích đọc sách lý luận và triết học. Bây giờ tôi vẫn có thể đọc được. Ví dụ như quyển “Chúa trời có phải là nhà toán học?”, tôi chỉ đọc khoảng hai ngày là xong; Bà vợ tôi bảo “Ông đọc từ từ thôi chứ đọc như thế này thì tốn tiền lắm.” (cười) Đọc sách cũng cần rèn luyện, và duy trì thường xuyên. Ngày xưa đọc để nghĩ ngợi, bây giờ đọc để giải trí. Ở một chừng mực nào, vẽ bây giờ cũng thế. Vẽ gần như là thư giãn.
Nhưng tôi cũng đang viết “tập hai” của quyển “Ghi chú về nghệ thuật”. Cũng sẽ vẽ vài loạt tranh nữa, thí dụ như loạt đen - trắng, hoặc loạt trẻ em chơi…
- Tức là một khi vẫn còn động lực?
- Đúng vậy. Nhiều khi anh cầm bút lên chán lại bỏ, hay vẽ dở chừng lại vứt đấy. Mà có khi anh vớ được một cái, kiểu như ông Thái Bá Vân ông ấy bảo tôi là “lịch sử nghệ thuật như một cái tường kín mít, mà ông Quân tìm được một kẽ, từ cái kẽ hở đấy, xuyên qua cái tường đấy, thì mới làm ra một đống tranh.” (cười)
- Thực ra không chỉ nuôi giữ đam mê mà phải tìm tòi, ấy gọi là sáng tạo?
- Đúng, ông Thái Bá Vân có nói cái ý đấy, nghĩa là “muốn là họa sĩ thì phải xuyên qua được cái tường lịch sử nghệ thuật.” Vì tranh đẹp người ta vẽ hết rồi (cười), phải tìm được một kẽ hở, thò được cái đầu kim ra thì lúc bấy giờ mới làm gì thì làm. Ông ấy cũng không gọi lối vẽ của tôi là “siêu thực” mà “muốn nhìn thấy nhiều sự thật cùng một lúc”, cũng không gọi là “đồng hiện.” Tranh “đồng hiện” là một sự thật gồm nhiều mảnh khác nhau ở những không gian và thời điểm khác nhau. Tranh của tôi gồm nhiều sự thật: nỗi buồn, nỗi vui, nhục cảm, cơn mê… cùng lúc.
- Xin hỏi ông câu cuối cùng: phê bình nghệ thuật ngày hôm nay và triển vọng của nghệ thuật Việt Nam?
- Nếu nói về tình hình mỹ thuật thì hơn mười năm trước, khoảng năm 2000, Hội họa Đổi Mới đã hoàn thành sứ mệnh rồi. Từ đó, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam với các loại hình mới như video-art, sắp đặt, trình diễn, vân vân, mặc dù có nở rộ, nhưng tôi cảm thấy vẫn không khởi sắc, yếu tinh thần, mà rệu rã, tan rã, khắp nơi. Điêu khắc có triển vọng hơn, nhiều lực lượng trẻ rất tốt. Chứ hội họa là đang đi xuống, chưa biết khi nào mới lại đi lên.
Còn phê bình giỏi để người ta nhớ thì hiếm lắm. Một trăm ông họa sĩ thì thế nào cũng chọn được năm bảy ông giỏi, nhưng một trăm nhà phê bình khó chọn được một người. Cái đấy là bình thường. Hơn nữa, phê bình là sản phẩm của đời sống truyền thông, đời sống công cộng. Tức là cái quan niệm thực dụng đối với phê bình là hiển nhiên trong đời sống, anh không thể thỏa mãn được hết thảy công chúng. Mảng lý luận của ta bây giờ vẫn kém, nhưng nghiên cứu lịch sử mỹ thuật thì có tiến bộ, phê bình đã mở rộng rất nhiều: nhiều đẳng cấp khác nhau, nhiều mức độ chất lượng khác nhau, đông đảo hơn, người trẻ cũng ngày càng đông. Tuy thế, khâu nghiên cứu về tác giả rất yếu. Cần phải nghiên cứu các tác giả thì mới dựng lên được nền mỹ thuật. Không dựng lên được tác giả thì không dựng lên được nền mỹ thuật.
Mấy năm trước góp ý với Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi có nói là không nên quản lý nghệ thuật, mà anh phải xây dựng đời sống nghệ thuật, tức là quản trị nghệ thuật chứ không phải quản lý, lãnh đạo. Bởi vì bản thân nghệ thuật là không quản lý được, không lãnh đạo được. Anh phải làm thế nào để nó tương thích với đời sống hiện đại, chứ cứ quản lý văn nghệ theo lối lập mô hình, lập kế hoạch, rồi đánh giá, ‘nghiệm thu’ kiểu tuyên giáo thì không thích hợp với nghệ thuật.
- Ông có cực đoan quá chăng?
- Không. Tôi nói rất chân thành, rút từ kinh nghiệm “máu thịt” đấy…
Lúc đầu tôi chỉ muốn trở thành họa sĩ chứ không có ý định làm nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Cả hai lĩnh vực giống nhau ở chỗ phải có ham thích cộng với tính tò mò. Anh sáng tác với anh khoa học đều giống nhau ở cái ham muốn thỏa mãn sở thích và khám phá, đặc biệt về con người, chạm đến tâm hồn con người. Họa sĩ Nguyễn Quân |