Tiếp tục thúc giải ngân vốn đầu tư công

S.Tuyến 05/07/2022 12:02

Bộ Tài chính cho biết, hết quý II/2022, số vốn đầu tư công mới giải ngân đạt 27,75%, kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (trên 29%). Trong số đó, vốn trong nước đạt 29,6% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

Giải ngân chậm, nhiều công trình khó triển khai.

Báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm gồm: các dự án khởi công mới được giao vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kế hoạch đấu thầu; các dự án mua sắm trang thiết bị theo hợp đồng thanh toán vào cuối năm; việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao. Còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Trong đó, một nguyên nhân khác kéo dài từ năm này sang năm khác là đền bù giải phóng mặt bằng, do vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sau khi 6 tổ công tác của Chính phủ có cuộc họp với một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, về cơ bản, tình hình đã được cải thiện hơn. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thành lập tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đang triển khai trong năm 2022. Ở các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công các Phó Chủ tịch tỉnh theo dõi các dự án lớn, trọng điểm.

Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng như các năm về sau đạt tỷ lệ cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công. Đáng chú ý là xây dựng chế tài xử lý đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch được giao theo đúng thời gian quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; trả lại kế hoạch trong năm để khắc phục tình trạng lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.

Riêng với TP Hồ Chí Minh, tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 cũng gặp khó khăn. Tính đến ngày 23/6, tổng vốn đầu tư công được TPHCM giải ngân là 5.941,86 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 17% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,64 tỷ đồng). Đây là con số thấp nhất trong nhiều năm qua.

Thông tin trên được đại diện UBND TPHCM đưa ra trong buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Bà Lê Thị Quỳnh Mai- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết có nhiều khó khăn và vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 thấp so với các năm trước đây. Ngoài các nguyên nhân khách quan như dịch bệnh Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ, khó khăn, vướng mắc về thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA…, những nguyên nhân chủ quan như các khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng, cần phải có thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án muộn hơn so với cùng kỳ… cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các cơ quan, đơn vị.

Còn nhìn chung, theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn đăng ký đầu tư và vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố đã thu hút được 2,18 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 291 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,75 triệu USD (tăng 5,43% số dự án cấp mới, giảm 1,28% về vốn đầu tư so với cùng kỳ).

TPHCM cũng chấp thuận cho 1.105 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 583,11 triệu USD Mỹ, tăng 9,62% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 15,12% về vốn so với cùng kỳ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến hết tháng 6/2022, lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ vào khoảng 25%. Nhưng đến cuối năm, khối lượng giải ngân sẽ đạt trên 90%; trong đó, vốn trong nước sẽ đạt từ 95-98%, vốn ODA sẽ từ 78-79%. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ hết 6.438 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022; trong đó, vốn trong nước là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA 1.900 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm, theo ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình do Bộ NNPTNT đang phát triển các dự án mới. Với các dự án mới sẽ phải có thời gian để khảo sát, thiết kế và phê duyệt trong các giai đoạn. Tính trung bình mỗi dự án trong một giai đoạn cả đấu thầu sẽ phải mất 8 tháng. Trung bình thời gian khảo sát, thiết kế cũng mất từ 3-4 tháng cho mỗi giai đoạn. Kinh phí cho khảo sát, thiết kế rất quan trọng, nhưng lượng vốn cho khảo sát, thiết kế lại chỉ chiếm 10-12% trong tổng mức đầu tư. Lượng vốn cần giải ngân lớn thuộc chính ở phần xây lắp. Do đó, cuối quý III và quý IV, các hồ sơ đấu thầu hoàn thiện thì lượng vốn giải ngân chính sẽ nằm ở giai đoạn này. Như vậy, giai đoạn cuối năm, lượng vốn đầu tư sẽ được giải ngân nhiều hơn rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục thúc giải ngân vốn đầu tư công