Tới thời điểm này, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến.
Loại hình dịch vụ vận chuyển mới vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Tạ Long Hỷ, đại diện Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Nghị định có nhiều quy định khó thực thi. Một số quy định sau nhiều lần lấy ý kiến sửa đổi vẫn không được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, nhất là những đề xuất về loại hình vận tải taxi truyền thống.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cơ quan quản lý cần đổi mới tư duy, quan niệm về mô hình kinh doanh mới. Bởi trong nền kinh tế hiện đại, các DN có xu hướng chuyên môn hóa, họ chỉ tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi. Riêng đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi, theo ông Long, lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiệm trong trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm với cách tính giá cước cao.
“Kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động của các đơn vị vận tải. Kết quả này đã khiến các hợp tác xã vận tải nhỏ lẻ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm, buộc các hãng taxi truyền thống phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”- theo ông Long.
Thừa nhận Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện kinh doanh vận tải, nhưng theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) điều này vẫn là chưa đủ, khi cơ quan soạn thảo vẫn lấy cách thức cũ áp đặt cho phương thức kinh doanh mới để giải quyết bất cập hiện tại.
Theo ông Cung, Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của loại hình vận tải mới này là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Khi tiềm năng của Grab, Uber đang rất lớn thì muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại. “Nếu cấm taxi Grab, Uber, các công ty công nghệ trong nước cũng không phát triển được. Đừng vì một hiện tượng mà xóa đi hay ngăn cản một xu thế”- ông Cung nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh- Phó Viện trưởng CIEM, nền kinh tế chia sẻ đang mở ra cơ hội đầu tư , việc làm cho người lao động, giảm chi phí trung gian trong các hoạt động kinh doanh. Tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa. Đặc biệt, theo TS Tuệ Anh, đây là cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia công nghiệp 4.0…
Mặc dù vậy, bà Tuệ Anh cũng thừa nhận, bên cạnh những cơ hội có thể sẽ đến với Việt Nam, cũng tiềm ẩn nhiều thách thức lớn. Đó là nền kinh tế này sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong hợp đồng kinh tế. Đặc biệt là xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống. Uber và Grab là một minh chứng cho sự xung đột đó, tuy nhiên, chúng ta không nên phủ nhận những lợi ích của xu hướng này.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, trước xu thế công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của các loại hình, cách thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý nhà nước vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các DN công nghệ phát triển. Nhưng cũng cần thúc đẩy chuyển đổi đối với loại hình kinh doanh truyền thống, từ đó sẽ tạo lập được môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.