Ngày 6/7, bà Hà Thị Khiết, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc -Tôn giáo dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng về tình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua.
Bà Hà Thị Khiết phát biểu tại buổi làm việc.
Sóc Trăng có dân số (năm 2016) trên 1.312.000 người; trong đó, dân tộc Kinh: 843.122 người, chiếm 64,24%; dân tộc thiểu số chiếm 35,76% (gồm 20 dân tộc thiểu số: dân tộc Khmer: 403.049 người, chiếm 30,71%; dân tộc Hoa: 65.896 người, chiếm 5,02% dân số; còn lại dân tộc khác: 423 người, chiếm 0,03% ).
Thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ban thường trực UB MTTQ tỉnh phối hợp cùng các Sở, ngành và địa phương tổ chức phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp người dân ở địa phương đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn hiểu rõ và tham gia tích cực trong việc thực hiện chương trình đạt yêu cầu nội dung đề ra.
Những năm qua Sóc Trăng luôn tập trung các nguồn lực cho đầu tư và phát triển cho vùng đông đồng bào dân tộc gồm, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh.
Theo kết quả điều tra năm 2017 có 11.197 hộ thoát nghèo, giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống 11,85% tổng số hộ (giảm 3,4% so với năm 2016).
Trong đó, có khoảng 5.028 hộ Khmer thoát nghèo, giảm số hộ nghèo xuống còn 18.037 hộ, chiếm 17,95% (giảm 5% so với năm 2016); có 120 hộ dân tộc Hoa thoát nghèo, giảm hộ nghèo xuống còn 978 hộ, chiếm 6,32% tổng số hộ Hoa (giảm 0,87% so với năm 2016).
Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 16,4%, hộ cận nghèo chiếm 14,44% (so với tổng số hộ dân tộc thiểu số).
Chỉ tính riêng trong năm 2017, UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học tập cho 28 đối tượng sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền là 170 triệu đồng; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 335.931 đối tượng, với số tiền là trên 216 triệu đồng; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với số tiền là 1,6 tỷ đồng …
Bà Hà Thị Khiết cùng đoàn làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề như: phương thức tuyên truyền Quyết định số 1557 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 116 của Chính phủ; việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các cấp bậc; công tác giám sát của MTTQ các cấp...
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Hà Thị Khiết đã biểu dương kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách dân tộc tại tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận các kiến nghị của địa phương trong quá trình thực hiện Quyết định số 1557 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 116 của Chính phủ.
Bà Hà Thị Khiết mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các sở, ban, nghành có liên quan trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1557, Nghị định số 116 và các chương trình, dự án, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trước đó, ngày 5/7 đoàn công tác cũng đã có buổi khảo sát và trao đổi với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trần Đề (Sóc Trăng) triển khai thực hiện Quyết định số 1557 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; quan tâm công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Quyết định số 1557 của Thủ tướng Chính phủ lồng ghép tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.
Tại đây các thành viên của Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo đánh giá cao công tác thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua, điều đó đã góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời đề nghị địa phương cần lưu ý đến tâm tư, nguyện vọng, phong tục, tập quán sản xuất của người dân trước khi thực hiện các dự án hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc để việc thực hiện các dự án đạt hiệu quả cao nhất.