Xu hướng giá thịt lợn hơi giảm kéo dài từ trước Tết Nguyên đán tới nay chưa có dấu hiệu phục hồi khiến người chăn nuôi đang phải chịu thua lỗ.
Giá lợn hơi lao dốc
Thị trường thịt lợn khá ảm đạm khi giá thịt lợn hơi tuần qua vẫn chỉ dao động quanh mức 50.000 đồng/kg. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá thịt lợn hơi chỉ dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Cao hơn một giá ở mức 49.000 đồng/kg gồm các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thương lái tại các tỉnh thành còn lại gồm: Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội, Tuyên Quang trong tuần qua vẫn thu mua thịt lợn hơi với giá 50.000 đồng/kg, mức cao nhất khu vực.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi không ghi nhận sự biến động mới và dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Mức này vẫn giữ nguyên không có dấu hiệu nhích lên trong thời gian dài. Với mức giá 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại: Lâm Đồng, Bình Thuận. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi vẫn “bám trụ” ở mức “đáy” 48.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại duy trì thu mua ổn định trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Tại khu vực phía Nam, giá lợn tuần qua cũng lặng sóng theo xu hướng chung của thị trường và dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Mức cao nhất 52.000 đồng/kg được ghi nhận vào ngày 30/3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. Thấp hơn một giá, tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Kiên Giang thương lái đang thu mua heo hơi với giá 51.000 đồng/kg.
Mức giá này đã tiếp tục giảm khoảng 5.000 – 6.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán (giá lợn hơi dao động khoảng 52.000 -53.000 đồng/kg).
Trong khi đó, người chăn nuôi lại đang chịu chi phí thức ăn chăn nuôi cao, dịch bệnh phức tạp khiến bà con phải mất thêm tiền thuốc thú y. Người nông dân đang phải chi khoảng 58.000-60.000 đồng/kg lợn hơi khi mua con giống. Do đó, với mức giá thịt lợn hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, tương đương 360.000-600.000 đồng/con. Trước tình hình như vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang có xu hướng giảm đầu con, hạn chế công suất của trại để tránh thua lỗ.
Theo bà Đỗ Thị Thiệp, người chăn nuôi lợn ở Phú Xuyên, Hà Nội, từ trong Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, giá lợn hơi luôn ở mức thấp, thời điểm này đã giảm 3.000 đồng/kg so với tuần trước. “Giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi rất ngại tái đàn, tăng đàn”, bà Thiệp cho biết.
Một số chủ trang trại lợn lo lắng, đối với những hộ chăn nuôi khép kín chủ động con giống và một phần thức ăn chăn nuôi còn được hòa vốn hoặc lãi ít. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí thuốc thú y thêm nữa, thì mỗi kỳ xuất chuồng lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Bởi vậy, đến thời điểm này người nông dân không mặn mà với nuôi lợn thương phẩm vì sợ tiếp tục thua lỗ.
Nêu nguyên nhân của tình trạng giá thịt lợn hơi lao dốc thời gian qua, giới chuyên gia chỉ ra rằng: Nguồn cung dồi dào nhưng sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm mạnh bởi ảnh hưởng của lạm phát; hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất kèm theo đó phải giảm lao động, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp và các nhà hàng, quán ăn... cũng đang giảm theo. Mặt khác, giá các loại thực phẩm như: gà, trâu, bò, trứng, thủy sản… ở mức thấp, vì vậy người tiêu dùng còn có xu hướng giảm ăn thịt lợn dẫn đến lượng thịt lợn tiêu thụ giảm.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chăn nuôi lợn sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi nhận định, phải đến đầu quý II năm 2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại, khi đó sức tiêu thụ thịt mới có thể tăng trở lại.
Gỡ khó cho hộ chăn nuôi
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc xem xét cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: Sau dịch Covid-19, giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán lợn thấp dưới giá thành, lại thêm dịch tả lợn Châu Phi nên gây nhiều khó khăn cho người nông dân.
Theo ông Công, cách đây 10 năm cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi; đến năm 2020, số hộ chăn nuôi giảm còn 4 triệu hộ và nay còn chưa đến 2 triệu hộ.
Để gỡ khó cho các hộ chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đề xuất gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19 cho ngành chăn nuôi, bởi pháp lý đã có sẵn, chỉ cần gia hạn thời gian áp dụng, các ngân hàng có thể triển khai ngay việc hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục gia hạn các gói vay đặc thù tại các vùng chăn nuôi trọng điểm để tránh việc đứt nguồn vốn, nguy cơ phá sản trang trại.
Đáng chú ý, qua khảo sát, Hiệp hội nhận thấy chưa có doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi nào được hưởng gói vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, ông Công đề nghị được quan tâm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi: “Liên quan đến vay vốn, các cơ sở chăn nuôi không vay ngân hàng phải vay ở ngoài như những tổ hợp tác. Trong tình hình hiện nay, họ cần sự trợ giúp từ Ngân hàng Nhà nước để vượt qua khó khăn”.
Đối diện với những khó khăn của ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi nhiều địa phương đưa ra khuyến cáo, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn cần chủ động theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ giống để bổ sung, tái đàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian tới, giải pháp thị trường chính là động lực để tháo gỡ khó khăn và duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Các địa phương cần hỗ trợ người chăn nuôi trong xúc tiến thương mại, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện công tác chuyển đổi số về lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia để tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong chăn nuôi; thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, giá thức ăn, giá thành sản phẩm chăn nuôi, giúp người chăn nuôi nắm bắt biến động của thị trường, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả...