Bắt đầu năm 2023, TP Hồ Chí Minh ghi nhận số doanh nghiệp (DN) thành lập mới giảm, trong khi số lượng DN tạm ngừng hoạt động tăng.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố ghi nhận hơn 95% công nhân, người lao động đã quay lại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các nhà máy, xí nghiệp để làm việc.
Dù vậy, DN cho biết phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là tình trạng đơn hàng sụt giảm, khiến nhiều ngành nghề buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc thu hẹp sản xuất. Theo ước tính, hiện số đơn hàng chỉ đạt khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước, trong khi DN vẫn khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng.
Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, để hỗ trợ DN ổn định nguồn cung và chi phí đầu vào, TPHCM đang tiếp tục các chính sách hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ thị trường xuất khẩu đang khó khăn.
Đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố cho rằng có nhiều khó khăn, thách thức, đà suy giảm và có thể sẽ kéo đến tháng 2, tháng 3/2023.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội của TPHCM sụt giảm. Theo ông Mãi, UBND thành phố đang yêu cầu các chủ đầu tư phải báo cáo kế hoạch triển khai cụ thể các dự án đã được phân bổ vốn để đảm bảo đến cuối năm sẽ giải ngân xong. Đồng thời, UBND thành phố cũng đề nghị HĐND thành phố phân bổ vốn đầu tư công trong kỳ họp chuyên đề tới đây.
Theo ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, không riêng TPHCM mà nhiều đô thị lớn cũng đang gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của đà suy giảm kinh tế. Đây là giai đoạn mà sản xuất công nghiệp công nghệ cao cần phải được ưu tiên để nhanh chóng đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng quan điểm này, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM (HASEM) tham vấn, khi một cơ sở sản xuất được hỗ trợ để hoạt động hiệu quả tham gia vào chuỗi cung ứng đầu vào, từ nghiên cứu và thiết kế, công nghệ mới, trang thiết bị, vật tư đến nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu. Từ đó, DN sẽ có cơ hội tốt để tháo gỡ khó khăn, tham gia vào chuỗi phân phối lưu thông đầu ra, từ vận tải, kho bãi, bán buôn, xuất khẩu, bán lẻ, tiếp thị, quảng cáo. Đây là những hoạt động chung để tạo đà cho sản xuất, kinh doanh phát triển, để kéo thêm nhiều giá trị gia tăng cho xã hội, làm tăng trưởng GDP nhanh và lành mạnh phù hợp quy luật kinh tế.
Trong trung hạn, để tháo gỡ cho đầu tư công và các khó khăn của DN, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở, ngành, địa phương cần gặp gỡ, kịp thời lắng nghe và giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với DN, đặc biệt quan tâm hỗ trợ chính sách về lao động, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số...
“Các sở, ngành, địa phương cần gặp gỡ, kịp thời lắng nghe để tháo gỡ và giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với DN, đặc biệt quan tâm hỗ trợ chính sách về lao động, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số” - lãnh đạo UBND TPHCM đề nghị vấn đề cụ thể.