Gỡ khó vốn cho doanh nghiệp

Lan Hương (thực hiện) 30/12/2022 07:32

Trao đổi với Báo Đại Đoàn kết, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới nhận định, năm 2023 sẽ là một năm lạc quan với ngành lúa gạo. Tuy nhiên, cần tháo gỡ những khó khăn về vốn, nếu không đây sẽ là rào cản “kìm chân” các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt trên con đường chinh phục thế giới.

PV: Ông đánh giá thế nào về kỳ tích xuất khẩu của ngành gạo trong năm 2022?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khả năng trong năm 2022, xuất khẩu gạo sẽ đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD, đây là con số vượt kỳ vọng của ngành lúa gạo. Kết quả này được coi là một kỳ tích bởi như chúng ta đã biết, trong những tháng đầu năm ngành gạo gặp không ít khó khăn, thách thức. Song điều quan trọng nằm ở sự cố gắng của toàn ngành trong nỗ lực chuyển dịch từ gạo phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao (chuyển dịch từ sản xuất nông sản theo số lượng sang sản xuất nông sản theo chất lượng). Bên cạnh đó nếu như những năm trước xuất khẩu gạo của chúng ta chỉ dựa vào thị trường quen thuộc là Trung Quốc và Philipinnes, thì năm 2022 đã mở thêm sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Một yếu tố nữa là Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới, đây là cơ hội để ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu, và 7 triệu tấn thực sự là con số ấn tượng.

Như vậy, có thể thấy, nhờ có lực đẩy từ cơ chế, ngành gạo đã có nhiều cơ hội để “phá rào” tìm kiếm thị trường song theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp (DN) cho thấy, câu chuyện tài chính đang là khó khăn lớn nhất với các DN, ảnh hưởng tới những DN muốn mở rộng hoặc thu mua dự trữ?

- Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn phải thừa nhận, những khó khăn về tài chính của các DN, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Cụ thể, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn khiến DN, đặc biệt các DN tư nhân gặp khó trong việc duy trì hoạt động thu mua và chuẩn bị tích trữ nguồn gạo cho các hợp đồng xuất khẩu năm 2023.

Những khó khăn này cần phải sớm tháo gỡ, theo đó các ngân hàng cần cởi bỏ sự cứng nhắc, nên linh hoạt trong khâu thẩm định đối với các hình thức cho vay (thẩm định năng lực, uy tín của DN, thẩm định hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác nước ngoài), chủ động hợp tác với DN để tạo điều kiện giúp DN tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.

Chúng ta cần phải thúc đẩy những giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi.

Đối với phân khúc thị gạo ngon, gạo phẩm cấp cao, chúng ta cần có giải pháp gì để phát triển phân khúc này, vì như chúng ta đã thấy, các thị trường khó tính rất ưa chuộng những sản phẩm gạo ngon của Việt Nam?

- Chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá gạo ST.25 và các giống gạo ngon khác bao gồm loại hạt tròn và hạt dài tùy theo từng thị trường. Bên cạnh đó, cần tập trung công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác lúa; xây dựng thương hiệu, chất lượng là ưu tiên hàng đầu của các DN. Liên kết với nông dân, có vùng trồng riêng (vùng nguyên liệu), thu mua giá cao là cách được nhiều DN áp dụng.

Phản ánh từ các DN cho thấy, hiện nay, thương nhân nước ngoài đã tìm đến tận nhà máy để ký hợp đồng chứ không ký hợp đồng tập trung như trước. Đây vừa là áp lực buộc DN phải thay đổi, vừa là cơ hội cho các DN.

Để đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023 cũng như tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các DN xuất khẩu cần có những chiến lược thế nào thưa ông?

- Các DN xuất khẩu gạo cần chủ động hợp tác để có được vùng nguyên liệu đủ lớn (tương xứng với sản lượng cần xuất khẩu) trên cơ sở “ quyền lợi phải dược phân phối hài hòa, công bằng, minh bạch và rủi ro cùng nhau chia sẻ”. Về phía Nhà nước, cần tạo thuận lợi và khuyến khích các DN đi tìm đối tác bạn hàng; Mở rộng các thị trường tại Mỹ, EU, Trung Đông, Tây và Bắc Á...

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó vốn cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO