Bất chấp kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát cao, tại một số thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, đầu tư bất động sản vẫn là điểm sáng. Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và bất động sản nói riêng.
“Mảnh đất lành” hút vốn ngoại
BĐS Việt Nam được đánh giá là “mảnh đất lành” thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài giàu tiềm lực. Năm 2022 bất chấp lạm phát, một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót thẳng tiền vào các dự án BĐS thông hình thức mua bán – sáp nhập.
Những thương vụ đình đám trong năm 2022 có thể kể đến CapitaLand (Singapore) chi hơn 716 triệu USD thâu tóm quỹ đất phức hợp đắc địa tại TP Thủ Đức (TP HCM), phát triển dự án bao gồm hơn 1.100 căn hộ và shophouse. CapitaLand Development (CLD), chi nhánh của CapitaLand, cho biết nếu thuận lợi, quá trình mua lại dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2023, sẽ khởi công từ năm 2024 và đi vào vận hành trong năm 2027. Đại diện Capita Land chia sẻ, nhờ giữ các vị trí đắc điạ tại TP Hồ Chí Minh, tập đoàn này có thể tận dụng thị trường năng động của Việt Nam.
Hồi tháng 2/2022, Tập đoàn CapitaLand Development đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Bắc Giang để chia sẻ mối quan tâm chung với trọng tâm đẩy mạnh phát triển dự án khu công nghiệp - logistics - đô thị đầu tiên của Tập đoàn tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư dự kiến 1 tỷ USD.
Cũng ở lĩnh vực BĐS, Tập đoàn ngành bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail (đã hoạt động tại Việt Nam từ 10 năm trước) công bố đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào Việt Nam, trong đó có phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.
Tiếp đó, đầu tháng 7/2022, Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đã tổ chức ra mắt hệ thống Core5 Việt Nam, đồng thời công bố đầu tư 1 tỷ USD vào BĐS công nghiệp tại Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Savills Prospects cho biết sự cải thiện trong môi trường kinh doanh đi kèm những chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đang thúc đẩy sự quan tâm của DN nước ngoài đối với thị trường BĐS Việt Nam.
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang trên đà tăng trưởng năm 2022, với vốn đầu tư FDI ngày càng tăng và nội lực nền kinh tế mạnh. Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra một loạt biện pháp nhằm cải thiện tính minh bạch của thị trường BĐS. Đây là dấu hiệu tốt, tạo tiền đề cho việc thanh khoản và các hoạt động đầu tư trong tương lai. Đồng thời, cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm phát triển, thúc đẩy nhu cầu đầu tư trên nhiều lĩnh vực”.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến 20/12, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, trong đó BĐS vẫn giữ vị trí “á quân” với hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Việc vốn ngoại tăng mạnh cho thấy DN nước ngoài vẫn tiếp tục tin vào BĐS Việt Nam. Các phân khúc như BĐS công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những sản phẩm được các nhà đầu tư quốc tế săn lùng. Ông Đoàn Duy Hưng - Tổng giám đốc Cổng thông tin BĐS Việt Nam (iipvietnam.com), cũng xác nhận từ đầu năm đến nay, đầu tư FDI tăng mạnh so với giai đoạn cuối năm 2021.
Tạo đà cho doanh nghiệp nội
Theo phân tích của giới chuyên gia ngành địa ốc, khi tình trạng quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt, dẫn đến chủ đầu tư yếu về vốn, chưa kể dòng vốn tín dụng bị “phanh gấp” khiến DN BĐS nội đuối sức. Việc có thêm nguồn vốn ngoại bổ sung được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho DN nội. Nếu như DN nội biết kết hợp tốt với DN ngoại, chắc chắn các sản phẩm trên thị trường sẽ đa dạng hơn, hơn hết là chất lượng dịch vụ sản phẩm sẽ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại rằng, DN ngoại đổ mạnh vốn BĐS vào sẽ xảy ra tình trạng thâu tóm thị trường BĐS, các DN trong nước sẽ đánh mất lợi thế. Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng đề cập đến nguy cơ DN trong nước trở thành “mồi ngon” trong cuộc “đi săn” của các DN nước ngoài.
“Thị trường BĐS Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút nguồn vốn ngoại bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Đây là một điểm tích cực đối với thị trường BĐS. Song, để thu hút mạnh dòng vốn này, chúng ta cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ các dự án đầu tư của họ” - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Duy Thành - Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, những khó khăn về đất đai, pháp lý khiến hầu hết DN lớn đến Việt Nam đều lựa chọn mua bán – sáp nhập với DN trong nước với lý do: Các DN nội có lợi thế là thông thạo vùng miền, linh hoạt về dòng vốn, đồng thời đang giữ vai trò tiên phong tại các thị trường mới, vùng ven. Chưa kể, quỹ đất sạch và giá đất tăng cao hiện cũng tạo áp lực không nhỏ lên các DN ngoại khi vào Việt Nam. BĐS vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Không chỉ BĐS công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư ngoại. Trong đó, 2/3 DN FDI tham gia vào lĩnh vực BĐS Việt Nam là DN có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn” – ông Thành nhận định.
Cũng khẳng định về tiềm năng thu hút vốn FDI của ngành bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút nguồn vốn ngoại bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Đây là một điểm tích cực đối với thị trường BĐS. Song, để thu hút mạnh dòng vốn này, chúng ta cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ các dự án đầu tư của họ; cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho các dự án triển khai…”.
Các tổ chức chuyên ngành địa ốc đưa ra dự báo, cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý BĐS, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu:
Giảm sự lệ thuộc vốn ngân hàng
Nguồn vốn FDI mang lại nhiều lợi ích, đó là giúp DN BĐS giảm sự lệ thuộc vào dòng vốn ngân hàng. Chúng ta thấy rằng từ 2019 vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS đặc biệt là BĐS công nghiệp. Đây thực sự là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nước nhà, tốt cho BĐS, nhất là phân khúc BĐS công nghiệp, bởi khi dòng vốn chảy vào phân khúc này còn có tác dụng lan toả đến các phân khúc khác nữa.
Ông Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Tín hiệu đáng mừng
Luồng tiền đến từ vốn FDI có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta thấy BĐS công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay...
Nhiều DN FDI đã và đang ưu tiên đầu tư vào bất động sản Việt Nam là tín hiệu đáng mừng cho ngành địa ốc nước nhà. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%... Đây là điểm tựa vững chắc để hút vốn ngoại.