Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, do Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức ngày 29/12.
Góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi
Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo. Theo đó, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác,... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.
Nhờ có sự hỗ trợ của tín dụng chính sách nên tỷ lệ hộ nghèo cả nước được kéo xuống. Giai đoạn 2001 – 2005, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Đề cập đến hiệu quả của tín dụng cho người nghèo, bà Lê Thị Thu Sương – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình (TP HCM), Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội quận Tân Bình khẳng định: “Vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) ở khu vực đô thị”.
Theo bà Sương, vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thống kê, đến cuối năm 2021, quận Tân Bình có 1.116 hộ nghèo với 4.616 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,86%. Hộ cận nghèo có 460 hộ với 1.709 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,35% trên tổng số hộ dân.
Dư nợ thấp, có vay có trả
Ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nói, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước.
Đến ngày 30/11, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.
“Người dân mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả, thi đua sản xuất, thoát nghèo bền vững, đặc biệt có vay có trả”, ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.
Vị này thông tin thêm, chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, bảo đảm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị-xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước.
Trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng được mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam; tập trung huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.