Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lưu ý đến những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đồng thời nêu rõ định hướng điều hành của Chính phủ năm tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước... một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italy...
Bên cạnh đó, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.
“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hậu quả rất nặng nề của đại dịch Covid-19; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự kéo dài; giá dầu thô, lương thực và các hàng hóa cơ bản biến động mạnh và giữ ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh; thiên tai, biến đổi khí hậu...diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam với độ mở của nền kinh tế lớn khoảng 200% GDP, sẽ không thể tránh được tác động từ bên ngoài. Những tác động đó sẽ trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực; lãi suất tạo áp lực về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trong năm 2023, cần khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển. Cần điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác phù hợp với tốc độ phục hồi nền kinh tế, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động; thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).
“Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất. Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; minh bạch, công khai hóa thông tin, cũng như trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân” - ông Dũng nói.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài, đã được nêu lên cùng các khuyến cáo.
Chủ đề của Diễn đàn là “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thì bước vào năm 2023 những cơn gió ngược đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu. Do đó, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân băng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính.
Còn ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng thời gian tới, các biến động trên thế giới diễn ra tương đối mạnh. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tài chính và bất động sản.
“Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư” - ông A.Coppola lưu ý.
Trong khi đó, ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, năm 2023 Việt Nam cần phục hồi thị trường trái phiếu DN thông qua một số hình thức bảo lãnh một phần trái phiếu của DN bất động sản.
“Nếu giải quyết được vấn đề thanh khoản cho DN bất động sản sẽ lập tức ổn định được thị trường chứng khoán” - ông Don Lam nói.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, bên cạnh những chính sách của Nhà nước, các DN phải thấy trách nhiệm của mình trước những khó khăn của thị trường và thời gian qua, các DN đã có nhiều nỗ lực. Các DN bất động sản phải có giải pháp để giảm giá nhà ở một cách thực chất và chuyển hướng, cơ cấu lại sản phẩm để hướng về nhu cầu thật, bên cạnh nhà cho những người giàu thì cũng phải phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp.